Tây Nguyên: Xuất hiện đường dây trào độm thông quý hiếm
Gia Lai: Xuất hiện đường dây đào trộm rừng thông quý vì thú chơi cây cảnh
Đình Văn
Thứ ba, ngày 24/11/2020 06:46 AM (GMT+7)
Rừng thông 30 - 40 năm tuổi ở Gia Lai có hình dáng đẹp, nhiều thế "độc lạ" nên thường được gọi là thông bonsai. Cũng do vậy, ở đây đã xuất hiện đường dây chuyên đào trộm loài thông quý hiếm này bán cho những người chơi cây cảnh, trồng trong khuôn viên các biệt thự cho sang trọng.
Theo huyện Đắk Đoa, đường dây đào trộm thông tinh vi bằng cách chụp hình "đặt hàng" các cây thông đẹp, dáng "bắt mắt" gửi qua Zalo, Messenger (Facebook).
Khi khách hàng ưng ý, các đối tượng đào gốc, bọc rễ, bón chất kích thích cho rễ non bén ra, rồi lấp đất lại. Một thời gian sau, khi rễ non trồi ra, nhóm đối tượng sẽ mang thiết bị vào cắt gọt rễ chùm rồi đưa xe cẩu vào bứng lên.
Mới đây, huyện Đắk Đoa phải gửi văn bản, đề nghị Công an huyện chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND xã Tân Bình điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đào trộm cây thông tại khu vực rừng thông xã Tân Bình theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo tiến độ điều tra về UBND huyện trước ngày 30/11.
Chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Đăk Đoa) Trương Minh Thắng cho biết: "Chúng tôi phải mật phục cả tháng mới bắt được đối tượng. Thủ đoạn trộm thông là khoét hố, bọc rễ lại và dùng xe cẩu cẩu đi trong đêm. Chúng tinh vi khi canh lực lượng chức năng để báo động trốn thoát".
Trước đó khoảng 23h00 ngày 15/11, Tổ tuần tra của xã Tân Bình phát hiện nhóm 8-10 đối tượng đang đào trộm cây thông. Phát hiện lực lượng chức năng, nhóm đối tượng bỏ chạy.
Lực lượng chức năng tiến hành truy bắt, hai đối tượng bị bắt giữ gồm Vũ Tiến Sơn (32 tuổi, trú tổ dân phố 5, thị trấn Đắk Đoa) và một người tên OK (36 tuổi, trú làng H'Lâm, thị trấn Đắk Đoa).
Tang vật gồm 1 cây thông, 1 xe cẩu 3,5 tấn biển số 77C-085.80, 4 cuốc đào, 1 thuổng, xe xà beng và 2 xẻng. Hai đối tượng khai được một người tên Mười, tìm đến nhà thuê đi đào thông, trả công 500.000 đồng/ người.
Có mặt tại rừng thông Đắk Đoa, PV tận thấy nhiều hố đất mà cây thông đã bị bứng đi. Các hố nằm la liệt, san sát nhau, đường kính khoảng 2m. Hố cũ có, mới có.
Chỉ một khu vực nhỏ, đã có trên 10 hố bọn trộm để lại, cây thông được cẩu đi trước đó không lâu.
Một vài cây thông lá héo rũ, gượng sống lại do kẻ trộm mới khoét gốc, chưa kịp bứng đi, được cán bộ lấp đất lại để cứu sống. Hiện trường, dấu xe tải hằn lún, cày xới, giẫm nát nhiều đám cỏ hồng.
Phạt nhẹ không đủ sức răn đe
Việc đào trộm thông diễn ra từ năm 2019-2020, mặc dù UBND huyện Đắk Đoa thành lập nhiều tổ truy bắt, điều tra nhưng thông vẫn liên tục mất trộm.
Tại xã Glar (huyện Đắk Đoa), ngày 9/7, Công an xã Glar đi tuần, phát hiện 2 đối tượng là Sêm (31 tuổi) và Phê (40 tuổi, cùng trú thôn Tuơh Klah, xã Glar) đang khiêng 1 cây thông lên xe công nông thì bị bắt giữ.
Còn tại thôn H'lâm (thị trấn Đắk Đoa), ngày 23/7/2019, Tổ tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng thông thị trấn Đắk Đoa bắt quả tang hai đối tượng gồm Sễ (22 tuổi) và Rơ Lang Y Si (28 tuổi, cùng trú làng Bối, xã Glar) đang lái xe công nông, chở 1 cây thông tươi cao 6m.
Các đối tượng khai trước đó, cùng với 4 người khác có tên là Nhênh, Nglưih, Nhuân (cùng 40 tuổi) và Kyêm (21 tuổi, tất cả cùng trú làng Bối) cùng trộm cây thông tại rừng thông xã Glar để bán cho ông Lê Quốc Nam (trú tổ dân phố 2, thị trấn Đắk Đoa).
Mở rộng điều tra, Công an huyện phát hiện: Đầu tháng 7/2019, ông Nhênh và Nhuân đi làm thuê thì gặp và quen ông Nam.
Qua nói chuyện, Nam thuê hai ông đi đào trộm cây thông để bán cho ông Nam. Sau đó, ông Nam dẫn 2 ông này vào rừng thông xã Glar chỉ vào 2 cây thông cần đào.
Tiếp đó, ông Nhênh và Nhuân về nhà lấy dụng cụ, xe công nông, gọi thêm 3 người là Sễ, Kyêm, Nglưih vào rừng đào được một cây thông cao 3,5m, bán cho ông Nam với giá 900.000 đồng.
Lần thứ hai, Nhênh, Nhuân, Sễ, Kyêm, Nglưih vàRơ Lang Y Si vào lại rừng thông đào tiếp cây thông mà ông Nam chỉ. Trên đường nhóm này đưa cây về nhà ông Nam bán thì bị Tổ tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng thông thị trấn Đắk Đoa bắt quả tang.
Theo Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk Đoa Nguyễn Văn Sơn, rừng thông Đắk Đoa bao trùm cả vùng rộng lớn, kéo dài từ các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa. Rừng thông này được các cụ cao niên, đoàn thể trồng từ năm 1976 đến nay.
Đây là rừng tạo cảnh quan, giữ đất, là "lá phổi xanh" của huyện Đắk Đoa. Từ trung tâm thị trấn Đắk Đoa (huyện Đắk Đoa) đến rừng thông chưa đến 4km và TP.Pleiku 25km.
Thiên nhiên còn ưu đãi phía dưới đất một loại cỏ hồng tuyệt đẹp, nổi tiếng Gia Lai, được huyện Đắk Đoa tổ chức làm lễ hội (từ ngày 20 hoặc 25/11)...
Từ mắt xích này, UBND huyện yêu cầu mở rộng điều tra thêm tại vườn thông tại nhà ông Lê Quốc Nam (trú tổ dân phố 2, thị trấn Đắk Đoa). Tại đây, phát hiện có 35 cây thông, đường kính từ 5-8cm được trồng trong chậu.
Ông Nam khai gia đình tự trồng, số cây này có nguồn gốc rõ ràng, không phải đào từ rừng. 16 cây thông khác có đường kính 12-18cm, trong đó có 15 cây, ông Nam khai mua trên địa bàn TP.Pleiku về trồng từ năm 2002-2003 và 1 cây mới mua, có nguồn gốc từ rừng thông xã Glar, huyện Đắk Đoa.
"Mất rừng thông quá nhiều, huyện đã cử cán bộ mua thiết bị cảm biến, gắn vào cây thông, khi các đối tượng vào bứng cây thì Tổ tuần tra vào bắt. Nhiều vụ trộm thông kéo dài từ năm 2019-2020, nhưng Công an huyện chưa khởi tố vụ nào, chỉ xử phạt hành chính số tiền 700.000 đồng/vụ, trong khi mỗi cây thông, các đối tượng đem bán với giá không dưới 20 triệu đồng", lãnh đạo huyện Đắk Đoa nói.
Theo vị cán bộ này, huyện đang nghi vấn, có đối tượng thuê nhiều người đào trộm thông ở huyện Đắk Đoa, sau đó đi mua hóa đơn ở TP.Pleiku để hợp thức hóa nguồn gốc.
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk Đoa Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Hồ sơ chuyển sang, Công an nói chưa đủ định lượng để khởi tố. Chúng tôi mong các vụ vi phạm cần phải khởi tố mới đủ sức răn đe".
"Nếu chỉ xử phạt hành chính, thì huyện sẽ rất khó giữ rừng thông", lãnh đạo huyện Đắk Đoa trao đổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.