Già làng Pa Kô vào rừng sâu lập trang trại

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 17/10/2014 07:39 AM (GMT+7)
Từ cuộc sống chật vật, bao năm quanh quẩn với việc phát nương rẫy, trỉa vài thúng ngô, lúa thì nay ông Mai Hoa Sen (71 tuổi), ở bản Ka Hẹp, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đã có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng từ việc trồng rừng kết hợp chăn nuôi.
Bình luận 0

Sau ly nước lá đậm hương vị núi rừng, ông Sen cho biết: Năm 1977, sau khi rời quân ngũ ông trở về quê hương Tà Rụt sinh sống. Hồi đó gia đình ông nghèo lắm. Cứ theo phong tục của người dân tộc Pa Kô là chặt rừng làm rẫy, trỉa được ít lúa với ngô nên cuộc sống thiếu thốn, khó khăn.

Cuộc sống của người dân xã Tà Rụt bớt phần cơ cực bắt đầu vào năm 2002 khi nơi đây có điện lưới quốc gia kéo về. Vậy nhưng, làm giàu là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với người dân tộc Pa Kô bao năm gắn bó với nương rẫy. Là Bí thư chi bộ thôn Ka Hẹp, ông Sen đã mạnh dạn đi đầu trong phong trào sản xuất.

img
Già làng Mai Hoa Sen và cơ ngơi trăm triệu của mình giữa đại ngàn Trường Sơn. 

 

Năm 2007, ông vào rừng sâu cách nhà gần hai chục cây số, nơi không ai thèm ngó ngàng tới, để mở trang trại làm VAC. Không có vốn, ông Sen mạnh dạn vay 35 triệu đồng của ngân hàng để gây dựng “cơ đồ”. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông Sen mua 5 con bò và 5 con dê nuôi đẻ để gây đàn. Cứ mỗi năm, ông Sen bán bớt dê để lấy tiền trang trải cuộc sống cũng như dành tiền chăm sóc đàn bò và trồng rừng.

Bằng đôi bàn tay cần cù chịu khó của mình, đến nay ông Sen đã khai hoang và trồng được 5ha rừng tràm vừa cho khai thác, lãi 25 triệu đồng/ha. Chỉ sau 5 năm, đàn bò của ông Sen đã tăng lên 42 con, đàn dê có 25 con và 10 con trâu, 20 con lợn rừng, hơn 100 con gà. Ngoài ra, ông Sen có 2 ao cá với diện tích 500m2 nuôi cá rô phi, trắm cỏ… để tự cung tự cấp cho gia đình. “Bình quân mỗi năm mình lãi từ 100 - 150 triệu đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống khấm khá, có điều kiện để nuôi con cái ăn học đàng hoàng” - ông Sen hớn hở khoe.

Ông Đào Mộng Lâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Rụt cũng không ngớt lời khen tấm tắc: “Nhắc đến già làng Mai Hoa Sen ai nấy trong xã đều tự hào. Già vừa là nông dân sản xuất giỏi, vừa có tấm lòng thương yêu bà con nên được dân bản hết sức kính trọng. Nhờ già Sen làm gương mà nay bà con xã Tà Rụt đã xóa bỏ phong tục đốt rừng làm rẫy từ bao đời nay và tiến lên làm giàu từ trang trại”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem