Anh Tuyển sinh ra và lớn lên xã Tân Hòa, Vũ Thư, Thái Bình. Năm 1999, anh vào Cần Thơ học ngành điện công nghiệp hệ cao đẳng của Đại học Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp Tuyển xin được vào làm việc ở Sở Điện lực Hà Nội. Trước khi đi làm chính thức 1 ngày, anh quyết định rẽ hướng khác- lặn lội vào Đồng Tháp nuôi cá.
Anh Tuyển là người đầu tiên ở huyện Châu Thành làm thành công cá bột chim trắng. Ảnh: T.H
“Hồi còn học cao đẳng, cứ nghỉ hè tôi lại về Đồng Tháp phụ việc trong trại cá cho các cậu. Ban đầu tôi làm với mục đích kiếm tiền trang trải học phí, sau càng làm càng thấy mê. Về đến Hà Nội, mình cứ có gì đó day dứt, băn khoăn. Thế là quyết định bỏ việc vào trong này lập nghiệp đến giờ” - anh Tuyển tâm sự.
Năm 2004, khi đã chắc kỹ thuật và tích lũy được ít vốn, anh Tuyển đứng ra làm ăn riêng. Lúc đầu anh làm con giống các loại cá truyền thống như trôi, trắm, chép. Thấy nuôi cá bột cho lợi nhuận cao hơn cá giống, anh bèn tìm hiểu cách nuôi và nhanh chóng nắm vững quy trình sản xuất cá bột.
Thời điểm năm 2007, giống cá chim trắng khá đắt hàng nhưng ở huyện Châu Thành chưa có người nào làm được, các hộ nuôi cá phải nhập cá bột chim trắng từ Trung Quốc. Anh Tuyển nảy ý định làm cá bột. Sau 6 tháng mày mò tìm và thử nghiệm các phương pháp sinh sản cho cá chim trắng, anh đã thành công ngoài mong đợi: Cá bố mẹ sinh sản tốt, tỷ lệ trứng nở cao.
Với 4ha mặt nước (1,6ha nuôi cá tra, chim trắng, chép bố mẹ; 2,4ha nuôi cá tra thương phẩm), mỗi năm anh có doanh thu hàng tỷ đồng từ xuất bán trên 500 triệu con cá bột các loại và trên 300 tấn cá tra thương phẩm.
Trừ chi phí, gia đình anh bỏ túi 500 triệu đồng. Chia sẻ kinh nghiệm, anh Tuyển cho rằng, anh thành công là nhờ kết hợp chặt chẽ giữa kinh nghiệm nuôi cá truyền thống với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nghề làm cá giống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.