Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Anh Tạ Văn Quang ở Phú Bình (Thái Nguyên) cho biết, ngày 14/3 gia đình anh bán đàn lợn 29 con cho thương lái, cân lên được hơn 3 tấn lợn hơi nhưng giá heo hơi chỉ đạt 47.500 đồng/kg. Cầm số tiền hơn 120 triệu đồng trên tay mà anh Quang không thể cười nổi vì sau khi trừ các chi phí, lỗ mất khoảng 700.000 - 800.000 đồng/con.
"Cầm tiền mà buồn quá, giờ không biết tính sao vì nếu giá cả thế này mãi thì nông dân chúng tôi không thể trụ nổi. Thời Covid-19 giá heo hơi giảm sâu đã đành, bây giờ mọi thứ hoạt động trở lại bình thường mà giá heo hơi vẫn giảm liên tục suốt 4 tháng qua, thật là khó hiểu" - anh Quang thở dài nói.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, giá lợn hơi hôm nay tại hầu hết các tỉnh miền Bắc đều rớt xuống dưới 50.000 đồng/kg. Đơn cử khu vực Tam Dương, Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc), giá lợn hơi khoảng 49.000 đồng/kg; Thái Nguyên 47.000 đồng/kg; Bắc Giang 47.500 đồng/kg... Một số địa phương giá heo hơi nhỉnh hơn như Hà Nội, Hưng Yên khoảng 49.000 đồng/kg.
Tại địa bàn tỉnh Lào Cai, giá lợn hơi nuôi trang trại từ 54.000 - 55.000 đồng/kg giảm còn 47.000 - 48.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm còn 42.000 - 44.000 đồng/kg. Với mức giá này, các hộ nuôi nhỏ lẻ phải gánh lỗ từ 900.000 đồng/con đến 1,4 triệu đồng/con, còn hộ nuôi trang trại lỗ khoảng 300.000 - 400.000 đồng/con.
Ông Hoàng Văn Chung – một chủ trang trại đang chăn nuôi 500 con lợn thịt tại huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) than thở, lứa lợn gần 80 con gia đình ông xuất chuồng cách đây vài ngày chỉ bán được giá 47.000 đồng/kg lợn hơi. Những con lợn xấu (nhiều mỡ) bị thương lái loại ra, ông phải bán giá rẻ 43.000-45.000 đồng/kg.
"Giá lợn hơi không những giảm mạnh mà việc tiêu thụ ngày càng khó. Trước kia, lợn nuôi trọng lượng 130-140kg/con lái buôn vẫn bắt hết, không kén chọn. Nhưng giờ họ chỉ bắt những con lợn trọng lượng 100-110 kg/con, còn lợn to hơn bị loại ra và trả rẻ bèo. Tính ra mỗi con lợn tôi phải lỗ tới tiền triệu rồi" - ông Chung than thở.
Trong khi đó, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam cũng đang chững giá trên diện rộng. Tại huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), giá heo hơi hiện khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg, không đổi so với ngày 14/3.
Giá heo hơi tại Bà Rịa - Vũng Tàu dao động từ 50.000 - 51.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, chủ trại nuôi heo Quang Tuyết (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) có khoảng 700 con heo thịt chuẩn bị đến kỳ xuất bán, song ông như đang "ngồi trên đống lửa" vì nuôi nhiều lỗ nhiều.
Ông Tuấn cho biết, chi phí chăn nuôi mỗi ngày tăng thêm, còn bán heo ngày càng khó. Đến thời điểm này, giá cám tăng hơn 100 ngàn đồng/bao 50kg, hiện ở mức 350 ngàn đồng/bao cho heo sinh sản; hơn 400 ngàn đồng/bao 50kg cho heo thịt.
Với mức giá thức ăn chăn nuôi như vậy, cộng với công chăm sóc trung bình mỗi con heo từ lúc bắt đầu nuôi đến khi xuất chuồng tăng lên từ 5,5 -5,7 triệu đồng/con, trong khi trước đây chi phí này chỉ khoảng 3,7-4 triệu đồng/con.
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, dù giá heo hơi trên thị trường xuống thấp dưới 50.000 đồng/kg nhưng giá thịt tại các sạp hàng vẫn duy trì mức cao như cách đây vài tháng. Điều này khiến sức mua với mặt hàng thịt heo tại các chợ có phần trầm lắng, ế ẩm.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tổng đàn lợn cả nước hiện khoảng 28,6 triệu con. Ước cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5-5,5% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.
Tuy nhiên theo ước tính của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đàn heo cả nước hiện phải trên 31 triệu con, đó là chưa kể một lượng lớn thịt nhập khẩu các loại có giá rẻ hơn, càng gây áp lực cho thị trường tiêu thụ trong nước. Với tình hình dư cung như vậy, dự báo giá heo hơi sẽ tiếp tục đà giảm chứ chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khuyến cáo, trong khó khăn, người chăn nuôi cần giảm đàn, tránh tâm lý giữ đàn đợi giá lên vì rất rủi ro.