Giá lợn hơi hôm nay 21.7 quay đầu giảm do lượng lợn bán ra thị trường tăng. Ảnh: T.L
Mưa bão cản trở việc mua bán
Tại Gia Kiệm, vùng chăn nuôi lợn tập trung của tỉnh Đồng Nai, thương lái Phan Cảnh Minh cho biết mức giá hơn 40.000 đồng/kg giờ chỉ còn là giá ảo. Hiện người dân đang tuồn hàng ra bán rất nhiều.
Giá heo đẹp hiện được 38.000 đồng/kg, heo xấu chỉ còn 33.000 đồng/kg. “Ngày 19.7, đi mua giá 35.000 đồng/kg là đã có heo rồi. Dự đoán vài ngày tới sẽ xuống còn 30.000 đồng/kg thôi”, anh Minh nói.
Theo anh Minh, nguyên nhân giá trồi sụt mấy ngày vừa qua có sự tác động lớn từ một công ty chăn nuôi: “Đầu tuần giá tăng một phần do công ty này đóng cửa, không ra hàng. Mấy hôm nay, họ đưa hàng ra nhiều. Chỉ họ được lợi chứ dân không còn bao nhiêu lợn để bán”.
Còn theo ông Trần Hữu Trung, hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất, do mưa bão ảnh hưởng ở các tỉnh phía Bắc làm gián đoạn khâu vận chuyển sang Trung Quốc, thương lái ngưng gom hàng nên giá chững lại.
“Mấy hôm trước thương lái miền Bắc vào giành giật với thương lái địa phương nên giá cao. Giờ mưa bão, thương lái địa phương lại ép giá xuống. Nông hộ vẫn lệ thuộc vào hệ thống lái buôn chứ lượng heo giết mổ không nhiều”, ông Trung giải thích.
Giá heo hơi hôm nay 21.7, lượng heo mảnh tiêu thụ tại các chợ đầu mối không tăng nhiều. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tại TP.HCM, thương lái Trịnh Anh Vũ cho biết giá thu mua ở địa bàn này chỉ ở mức 35.000 – 36.000 đồng/kg. “Giá hiện vẫn chưa ổn định và không thể đoán chắc trong vài ngày tới. Nhưng căn bản là lợn đúng kích thước chuẩn (90 – 110kg) không còn nhiều”, anh Vũ nhận định.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, đến thời điểm này số lợn tồn trong dân rất ít. Sau đợt khủng hoảng thừa, nhiều nông hộ đã kiệt quệ. Chỉ có doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang nắm giữ lượng heo lớn, không giảm đàn thì nay bán ra có lãi nhiều.
Còn phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài
Ông Đoán cho rằng, giá lợn hơi trên thị trường gần như bị chi phối bởi một số DN lớn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khi các DN này đẩy giá lên, trên thị trường lập tức tăng giá. Ngược lại, khi họ giảm giá, giá thị trường cũng giảm theo. Có khi mỗi ngày họ công bố một mức giá mới khác nhau.
Giá heo hơi hôm nay 21.7 đang bắt đầu giảm, trong khi nông hộ không được lợi nhiều đợt giá tăng đột biến vừa qua. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo ông Nguyễn Tấn Hậu, chủ trại lợn ở huyện Long Thành, DN FDI hưởng lợi vì quy mô chăn nuôi lớn, lượng heo bán ra hằng ngày chiếm phần lớn trên trên thị trường.
“Giá thành sản xuất cám đưa vào chuỗi chăn nuôi của họ thấp làm hạ giá thành sản phẩm. Mỗi một đợt biến động giá như vừa qua, họ hốt đậm”, ông Hậu khẳng định.
Ông Trung giải thích thêm, khi Trung Quốc mua lợn ồ ạt, các doanh nghiệp như C.P, Hòa Phát, Japfa… được lợi thông qua điều chỉnh hợp đồng giá bán với các trại chăn nuôi gia công. Đợt “giải cứu” vừa qua, Chi cục Thú y hỗ trợ tiêu thụ bớt lợn khỏe chứ chưa phải lợn sạch đúng nghĩa. Lợn của C.P có nguồn gốc rõ ràng nên vẫn bán giá cao, không sợ áp lực thị trường. Cơ quan nhà nước không thể can thiệp vào bán giá của DN và đây cũng là dịp để họ bù lỗ.
Với nông hộ, ông Trung phân tích, chỉ cá nhân nào nuôi lợn đợt sau tết khi giá con giống 400.000 – 500.000 đồng/con thì may ra có lời đợt giá cao vừa qua.
“Bản thân gia đình tôi dù chủ động được thức ăn từ sản phẩm nông nghiệp tự sản xuất cũng chỉ đảm bảo phần nào kinh tế hộ gia đình chứ không thể làm giàu đột phá. Tức là chỉ tham gia một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng chung của thị trường”, ông Trung chia sẻ.
Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, tổng đàn lợn trên địa bàn hiện còn khoảng 1,6 triệu con, giảm 500.000 con so với cách đây 3 tháng. Trong đó, có hơn 160.000 con lợn thịt (80 - 110kg/con), giảm gần 50% so với đợt cao điểm. Sở này khuyến cáo người chăn nuôi không nên vội tăng đàn trở lại. Với quy mô đàn lợn nái và năng lực của các chuồng hiện tại hoàn toàn dư khả năng để tăng sản lượng thịt lợn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.