Giá lúa chưa có lợi cho nhà nông

HUỲNH XÂY – TRỌNG BÌNH – CHÚC LY Thứ năm, ngày 05/03/2015 14:33 PM (GMT+7)
Mặc dù việc thu mua 1 triệu tấn lúa quy gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt đầu được triển khai, song theo ghi nhận của  phóng viên NTNN, đến thời điểm này, giá lúa vẫn chưa có lợi cho nông dân.
Bình luận 0

Giá lúa vẫn còn rất thấp

Ghi nhận của phóng viên NTNN tại thị xã Tân Châu (An Giang)- nơi bà con đang thu hoạch rộ lúa đông xuân cho thấy, giá lúa đã tăng lên từ 200-400 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Cụ thể, lúa IR50404 có giá 4.300-4.400 đồng/kg, các giống lúa chất lượng cao từ 4.500-4.700 đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân giá lúa trên vẫn còn rất thấp, song họ vẫn phải bán lúa để trả tiền vật tư và có vốn tái sản xuất vụ hè thu.

img

Sau 3 ngày triển khai thu mua tạm trữ, nhà nông ở ĐBSCL vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách tạm trữ (ảnh chụp nhà nông xã Phú Đức, huyện Long Hồ, Vĩnh Long thu hoạch lúa bán cho thương lái).    
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội ND thị xã Tân Châu giải thích: “Giá lúa đã nhích lên so với thời điểm trước tết là vì tâm lý thương lái muốn mua tăng cao lên để “đón gió” và cạnh tranh. Việc thương lái chủ động nâng giá làm cho người dân có phần đỡ hơn, không còn cảnh người dân bị ép giá như năm rồi”.

Còn ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), giá lúa cũng chỉ bắt đầu nhích lên từ 100-200 đồng/kg và diễn ra với tốc độ chậm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân giá nhích lên do lượng lúa không còn nhiều, còn tác động từ đợt thu mua tạm trữ không nhiều.

Ông Phan Văn Hồng, nông dân ở thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Trước Tết Nguyên đán tôi đã bán khoảng 18 tấn lúa Jasmine với giá 5.600 đồng/kg, hiện còn lại trên 18 tấn đang gửi kho chờ giá lên thêm mới bán vì giá lúa hiện tại vẫn chưa có lời nhiều. Thông tin tạm trữ đã có nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thu mua theo chính sách đó khiến chúng tôi lo lắng”.

Không chỉ ở An Giang, Đồng Tháp, người dân ở các tỉnh như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh và TP.Cần Thơ cũng cho rằng, giá lúa hiện nay vẫn còn thấp, người dân vẫn chưa có lời hoặc chỉ đủ chi trả tiền vật tư nông nghiệp và làm lại vụ lúa mới.

Anh Phan Nhật Bình, nông dân ấp Phong Quang (xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) than thở: “Tôi bán lúa OM 5451 có giá 4.700 đồng/kg, còn lúa thơm OM 4900 là 4.750 đồng/kg. Giá này có tăng nhẹ nhưng không có lời (chi phí sản xuất tăng rất nhiều) và giảm rất nhiều so với vụ đông xuân trước (trên 5.000 đồng/kg đối với 2 giống lúa trên). Người dân đang khốn khó”.

Sẽ tổ chức thu mua tạm trữ đúng kế hoạch

Giám đốc một doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ ở TP.Cần Thơ nhận định: “Năm nay, bà con nông dân trúng mùa, có thể đạt 1 tấn/1.000m2. Nhưng giá lúa vẫn còn thấp. Theo tôi, thời gian tới đây, giá lúa có thể vẫn giữ ở mức như hiện nay và tăng lên ở thời điểm diện tích lúa đã thu hoạch hết. Cần phải nói thêm là khách hàng nước ngoài thường xuyên giám sát thời điểm thu hoạch của nước ta, từ đó tìm cách hạ giá thu mua ở thời điểm thu hoạch rộ”.

Vị giám đốc doanh nghiệp này cũng thông tin: “Các doanh nghiệp thu mua lúa cũng đang gặp nhiều khó khăn về vốn, đầu ra… Riêng về chính sách tạm trữ được triển khai, mặc dù các doanh nghiệp tham gia thu mua được hỗ trợ lãi suất nhưng từ vụ đông xuân 2013-2014 đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ này. Nếu không có hỗ trợ sớm thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp cũng sẽ e ngại khi triển khai thu mua trong đợt này.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa đông xuân 2014-2015, tỉnh Sóc Trăng được giao chỉ tiêu tạm trữ 30.000 tấn, phân cho 3 doanh nghiệp là Công ty Lương thực Sóc trăng (10.000 tấn), Công ty Thành Tín (15.000 tấn) và Công ty Tiến Phát Nông (5.000 tấn). Đến nay, tỉnh này hiện đã thu hoạch được khoảng 2/3 diện tích.

“Do mới nhận được chỉ tiêu, nên tỉnh Sóc Trăng cũng chưa có kế hoạch phối hợp thực hiện cụ thể giữa các ban, ngành có liên quan và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn như mọi năm, khi đã phân bổ chỉ tiêu thì nhiệm vụ của chúng tôi là sẽ cùng với các ngành chức năng khác lập những đoàn kiểm tra, xuống từng doanh nghiệp để trao đổi, tổ chức kế hoạch thu mua, đảm bảo thực hiện đúng chính sách” - ông Phạm Thanh Sơn – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng) cho biết.

Ghi nhận của NTNN cũng cho thấy, do nguồn nhân lực của doanh nghiệp có hạn nên hầu hết không thể trực tiếp xuống làm việc với tất cả nông dân. Chính vì vậy, họ chỉ mua bán trực tiếp được với một bộ phận nông dân, số lượng còn lúa còn lại thì thông qua thương lái.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem