Giá lương thực giảm: Góp sức đắc lực cho kiềm chế lạm phát

Thứ ba, ngày 01/06/2010 14:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng tháng 5 chỉ tăng 0,27% so với tháng trước; trong đó đáng chú ý là giá lương thực bị giảm sâu. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá lương thực giảm.
Bình luận 0
img
Giá lương thực, đã giảm liên tiếp.

Giá lương thực giảm do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do lúa vụ đông xuân ở miền Nam vừa tăng về diện tích, vừa tăng về năng suất, nên sản lượng thóc tăng trên 350.000 tấn so với vụ đông xuân trước, tương đương với gần 200.000 tấn gạo.

Có nguyên nhân do lượng gạo xuất khẩu trong tháng 5 lại giảm 10,5%, còn giá xuất khẩu lại có xu hướng giảm trong những tháng gần đây.

Có nguyên nhân do nhập khẩu lúa mỳ 4 tháng đầu năm đã lên đến 651.000 tấn, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm trước; đó là chưa kể lượng gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản với khối lượng không nhỏ.

Tuy nhiên vẫn cần hết sức cẩn trọng với diễn biến thiên tai, sâu bệnh theo dự báo là có thể phức tạp khó lượng theo đúng nghĩa “ba tháng trồng cây một ngày trông quả”.

Chẳng hạn, lúa đông xuân ở miền Bắc, miền Trung bị hạn nặng, phải tốn phí nhiều công sức chống hạn mới sinh trưởng, phát triển thuận lợi, nhưng khi làm đòng trổ bông lại bị trận gió lớn làm đổ rạp, tiếp đến lại bị các trận nắng nóng gió Lào rất mạnh, làm cho lúa bị bạc màu nhiều, hạt nào còn cũng không có độ chắc, mẩy như các năm trước.

Giá lương thực giảm có tác động về nhiều mặt. Trước hết, sự giảm xuống của giá lương thực đã góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát- mục tiêu rất quan trọng trong năm nay. Đây cũng chính là sự đóng góp của nông dân, nông thôn đối với việc thực hiện mục tiêu quan trọng của năm nay.

Người tiêu dùng nói chung và người có thu nhập bằng tiền với mức thấp nói riêng thì rất phấn khởi vì lương thực là mặt hàng thiết yếu hàng ngày. Nhưng với người trồng lương thực thì đây là sự thiệt thòi. “Cánh kéo” giá cả giữa lương thực với các loại hàng hóa, dịch vụ khác vốn đã rộng, nay lại có xu hướng rộng hơn, gây bất lợi cho nông dân.

Cùng với sự sụt giảm của giá lương thực là giá thực phẩm, đặc biệt giá thịt lợn tăng thấp trong nhiều tháng trước, đến tháng 4 đã giảm 0,53%, tháng 5 tăng không đáng kể (0,09%); nay lại gặp dịch tai xanh, chẳng những hạn chế chăn nuôi lợn mà chăn nuôi ra nhưng rất khó tiêu thụ hoặc tiêu thụ với giá rất rẻ do bị ép giá. Giá cà phê, giá muối cũng bị sụt giảm thê thảm…

Theo dự báo, việc xuất khẩu gạo còn có khó khăn cả về thị trường, cả về giá cả. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua tạm trữ; tăng lượng dự trữ quốc gia để giữ giá và đề phòng thiên tai.

Người dân có điều kiện về tài chính, về kho chứa không nên bán đổ bán tháo lúc giá còn thấp, thậm chí cần tính đến rủi ro để “tích cốc phòng cơ”. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách để hạn chế việc nhập khẩu lúa mỳ, gạo từ nước ngoài với các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết WTO.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem