Giá một loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có lúc cao nhất thế giới
Giá một loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có lúc cao nhất thế giới
K.Nguyên
Thứ tư, ngày 22/03/2023 14:41 PM (GMT+7)
Nhờ sức mua từ thị trường Philippines, Trung Quốc,... xuất khẩu gạo của Việt Nam đã sôi động trở lại, đặc biệt, giá gạo của Việt Nam có thời điểm cao nhất thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 2/2023 đã tăng trở lại sau ba tháng giảm liên tiếp với khối lượng đạt 534.607 tấn, trị giá 286,2 triệu USD, tăng 48,8% về lượng và 53,4% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 14,7% về lượng và 29% về trị giá.
Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 893.256 tấn, trị giá 472,4 triệu USD, giảm nhẹ 8,1% về lượng nhưng lại tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ.
Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu trong tháng 2 tiếp tục tăng tháng thứ 5 liên tiếp, với mức 3,1% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức bình quân 535 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng 9,8% so với cùng kỳ, đạt trung bình 529 USD/tấn.
Nhờ sức mua từ thị trường Philippines, Trung Quốc,... xuất khẩu gạo của Việt Nam đã sôi động trở lại, đặc biệt, giá gạo của Việt Nam có thời điểm cao nhất thế giới. Ảnh: TTXVN.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2022 và duy trì ở mức cao trong đầu năm 2023. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới.
Cụ thể, giá gạo Việt Nam cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan là 15-27 USD và của Ấn Độ là 40-50 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 15/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ 2022. Như vậy mức giá này bằng với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại, tăng 20 - 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, vụ lúa đông xuân lượng lúa gạo đã được tiêu thụ hết cho người nông dân. Đảm bảo lợi ích người trồng lúa có lãi, bình ổn giá thóc, gạo trong nước. Cụ thể, giá thành sản xuất bình quân mà Bộ Tài chính công bố là 3.219 đồng/kg, trong khi mức giá thóc trên thị trường là 6.650 đồng/kg. Mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%.
Xuất khẩu gạo được nhận định sẽ sôi động hơn trong những tháng tới do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch đông xuân, trong khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… đang tăng lên.
Theo các doanh nghiệp, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu gạo trong năm 2023 do chính sách "zero Covid" khiến nguồn cung gạo của thị trường này sụt giảm trong năm 2022. Đây cũng là năm mà Trung Quốc đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực nội địa.
Hiện các mô hình dự báo thời tiết uy tín trên thế giới đều cho rằng, thời tiết đang ở tình thái trung tính và chuẩn bị chuyển sang trạng thái El Nino (khô hạn) trong nửa cuối năm 2023, ảnh hưởng đến sản lượng lương thực của các nước châu Á, đặc biệt Đông Nam Á. Những yếu tố này khiến các thương nhân Trung Quốc cũng như nhiều nước khác sẽ tiếp tục thu mua lúa gạo trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.