Giá nhà ở Việt Nam cao gấp 25 lần thu nhập người trung bình

Nguyễn Tường Thứ hai, ngày 11/09/2017 10:57 AM (GMT+7)
Mức giá chung cư đang cao gấp 20-25 lần so với thu nhập của người có thu nhập trung bình, đó là khẳng định của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). Đây là tỷ lệ cao thuộc loại top trên thế giới khiến đại bộ phận người dân không thể tiếp cận.
Bình luận 0

img

Giá nhà ở Việt Nam vượt xa mức thu nhập của người có thu nhập trung bình

Xa vời giấc mơ an cư

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tich HoREA cho rằng giá nhà ở Việt Nam đang quá cao so với thu nhập của người dân. Ông Châu dẫn ví dụ, giá nhà ở Hàn Quốc đắt gấp 5-6 lần so với thu nhập của người dân. Trong khi đó giá nhà vừa túi tiền ở nước ta cao gấp 20-25 lần so với người có thu nhập trung bình. Điều đó cho thấy giá nhà ở Việt Nam cao quá sức chịu đựng so với đại bộ phận người lao động có mức thu nhập trung bình.

Đối với lượng người thu nhập thấp hơn thì giấc mơ an cư có thể coi là xa vời. Theo HoREA, dân số thực của TP.HCM hiện nay xấp xỉ 13 triệu người và có thêm khoảng 3 triệu người dân nhập cư. Đáng báo động là trong số đó những người nghèo đang dần dần mất khả năng mua nhà. Không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở diện tích nhỏ mà việc giá bất động sản tăng cao thời gian qua đang khiến người thu nhập thấp bị “cô lập” so với thị trường địa ốc.

“Nhà ở giá rẻ thời gian qua không đạt được như kỳ vọng và nhu cầu người dân. Ngoài nguồn cung sản phẩm phải có tín dụng đi kèm hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp”- ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói. Theo ông Châu, tại TP.HCM đã từng có các sản phẩm nhà ở tư nhân đầu tư có giá chỉ 7,9 đến 14 triệu/m2, nhà cho thuê 49 năm nhưng các chủ đầu tư này không được hỗ trợ phát triển và các sản phẩm này hiện có rất ít. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội chủ đầu tư không còn nguồn tín dụng hỗ trợ dẫn đến phải xin trả dự án. Mặt khác, vai trò của ngân hàng chính sách xã hội trong việc tạo dòng tín dụng này cũng chưa hiệu quả. 

img

Đối với người nhập cư và lao động thu nhập thấp, giấc mơ an cư tại các đô thị rất xa tầm với 

Một số chủ đầu tư tại TP.HCM cho rằng chưa tạo đà phát triển được nguồn cung nhà giá rẻ và nhà cho thuê thì người nghèo đô thị vẫn sẽ không thể mua nhà.“Những người lao động nghèo khó có thể mua nhà bởi quỹ nhà ở xã hội phần lớn dành cho công chức viên chức, gói 30.000 tỷ cũng dành cho người thu nhập trung bình. Người nghèo đang bị bỏ rơi. Tôi đã từng đấu tranh đề nghị làm nhà diện tích nhỏ, nhà cho thuê điều này sẽ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận nhà ở” - ông Nguyễn Văn Đực, Phó Gám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành, nói.

Có “nắn” lại được thị trường địa ốc?

Theo ông Đực, trong bối cảnh người thu nhập trung bình trở xuống khó tiếp cận nhà ở thì các dự án trùm mền tại TP.HCM đang không chỉ để lại khối nợ lớn từ ngân hàng, nhà nước, nợ đối tác… và khách hàng mà còn đang gây lãng phí quỹ đất trong khi người nghèo không có nhà ở. Hiện ở TP.HCM có khoảng 500 dự án “trùm mền” gây lãng phí hàng trăm ngàn ha đất. Cũng theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, từ năm 2016 trở lại đây thị trường bất động sản đang chững lại và có suy giảm. Sự lệch pha đang tiềm ẩn những rủi ro cho thị trường, bất động sản cao cấp từ nghỉ dưỡng đến bất động sản nhà ở đáng báo động.

Bà Trần Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, có thời điểm người người đổ tiền vào Bình Dương nơi mà Mỹ Phước 3, Mỹ Phước 4 bán đắt như tôm tươi với giá 2 - 2,2 triệu đồng/m2. Có những người mua cả ngàn m2 ở Mỹ Phước 4 rồi cắt ra không biết bao nhiêu nền và dân thành phố đổ tiền vào đó để đầu tư. Nhưng tới bây giờ có ai xây nhà ở đó, thậm chí hạ tầng còn chưa có.

img

Thị trường địa ốc khát căn hộ giá vừa phải, DN địa ốc lại đổ xô đầu tư dự án siêu sang

Hay như gần đây đất Nhơn Trạch (Đồng Nai) sốt xình xịch do thông tin xây cầu, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Chính phủ xúc tiền xây dựng sân bay quốc tế Long Thành… Tất cả những yếu tố này đã làm gia tăng giá đất ở khu vực Nhơn Trạch. Do đó dòng tiền của người thành phố, thậm chí ở Hà Nội và các tỉnh khác đầu tư vào Nhơn Trạch cũng nhiều. Nhưng vấn đề là Nhơn Trạch có hình thành nên đô thị vệ tinh đúng nghĩa hay không, có hình thành nên khu đô thị có dân cư sinh sống hay không thì đó là vấn đề cần trông chờ vào “bàn tay” điều tiết của Chính phủ. Còn nếu không chỉ là vấn đề mua đi bán lại mà thôi.

“Vấn đề đặt ra là làm sao để điều tiết thị trường bất động sản thành phố hoặc thị trường các tỉnh nói chung phát triển một cách bền vững đòi hỏi một người nhạc trưởng hết sức tài ba. Việc giám sát, quản lý thị trường bất động sản không phải chỉ ở 2 thành phố lớn mà đối với cả thị trường tại các tỉnh thành khác diễn biến như thế nào cũng là điều vô cùng cần thiết” -  bà Loan nói.

Ông Lê Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Ban Kinh tế Trung ương, cho biết các ý kiến đóng góp của HoREA và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM sẽ được tham mưu cho Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem