Tam Nông là huyện có truyền thống trồng cây sơn lấy nhựa, có thời điểm, sơn được coi là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Nhưng chỉ được vài năm, giá nhựa sơn xuống thấp dần, đến nỗi người dân phải ồ ạt chặt bỏ loại cây truyền thống.
Có thời gian, nhà nhà đua nhau trồng sơn.
Anh Hà Văn Trường, trú tại khu 4, xã Thọ Văn cho biết: “Trước đó, nhựa sơn có giá khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg, mang lại thu nhập cao cho bà con. Tuy nhiên, thời gian gần đây sơn xuống giá quá thấp khiến người dân không còn mặn mà. Mặc dù sơn đang vào giai đoạn thu hoạch nhưng một số hộ đã chặt bỏ để trồng cây lâm nghiệp khác như bạch đàn hoặc bỏ đất trống".
Nhưng nay, dù vất vả, bỏ nhiều công sức, thu nhập lại không đáng là bao.
Cũng theo anh Trường, gia đình anh trồng 1ha, cây sơn vào đang độ già là thời điểm thích hợp để thu hoạch, nhưng do giá xuống thấp bằng nửa năm ngoái nên vẫn để đó.
Tình trạng người dân đổ xô đi chặt bỏ cây sơn đang kỳ thu hoạch diễn ra ở nhiều xã trên địa bàn huyện Tam Nông như: Thọ Văn, Dị Nậu, Xuân Quang, Văn Lương, Cổ Tiết… Hiện, chỉ còn 2 xã Thọ Văn và xã Dị Nậu người dân còn giữ lại chưa chặt hết.
Giá sơn giảm mạnh khiến người dân phải chặt bỏ cây dù mất công chăm sóc nhiều năm trời.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hà Văn Tấn – Chủ tịch UBND xã Thọ Văn cho biết: “Tổng diện tích cây sơn hiện có của xã là 176ha, trong đó một nửa là cây trồng mới, còn lại là cây già đang độ thu hoạch.
Thời điểm năm 2012, diện tích cho ra sản phẩm là 142ha, năng suất đạt 4,3 tạ/ha, sản lượng 61 tấn, so với các loại cây trồng trên đất đồi, cây sơn cho mức thu nhập cao nhất. Bình quân 1ha cây sơn theo thời giá hiện nay có thể cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, trong khi cây bạch đàn với chu kỳ kéo dài 7 năm nhưng thu nhập không cao.
Nhưng thời gian gần đây người dân đã chặt bỏ khoảng 10ha do sơn xuống giá, chuyển đổi sang cây trồng khác như bạch đàn, cây chè”.
Tuy nhiên, không có chuyện người dân chặt hết cây sơn mà vẫn duy trì ổn định diện tích đã trồng nhưng không phát triển thêm như thời điểm trước đây”, ông Tấn khẳng định.
Cách đây khoảng 5 năm, giá sơn cao nhất lên đến 300.000 đồng/1kg, trung bình dao động khoảng 180.000 – 250.000 đồng/1kg nhưng hiện nay sơn xuống giá chỉ còn 110.000 – 130.000 đồng/kg nên nhiều hộ dân không còn mặn mà.
Diện tích trồng sơn ở Tam Nông đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.
Theo ông Tấn, một cây sơn có chu kỳ kéo dài 6 năm, trong đó mất 3 năm đầu cây phát triển, đến năm thứ 4, 5, 6 cây sẽ cho nhựa. Thời kỳ cây sơn cho nhựa tốt nhất được gọi là sơn ngang dao, một công lao động một ngày có thể cắt được 3 sào sơn.
"Chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền người dân duy trì ổn định diện tích cây sơn vì đây là cây truyền thống, cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con trong xã. Một số diện tích rừng không thể trồng sơn do độ dốc lớn sẽ được thay thế bằng cây lâm nghiệp khác. Xã tuyệt đối không có chủ trương chặt hạ cây sơn, bởi sơn là cây có từ lâu đời”, ông Tấn nói.
Cây sơn đã chặt, nhưng vấn đề trồng cây gì đem lại hiệu quả kinh tế vẫn là bài toán khó giải ở Tam Nông.
Ông Trần Quốc Phong – Trường phòng NNPTNT huyện Tam Nông xác nhận có tình trạng người dân trên địa bàn đua nhau chặt hạ vì sơn xuống giá.
Toàn huyện Tam Nông đã có 12 xã tham gia trồng cây sơn với tổng diện tích hơn 500ha, trong đó có gần 400 - 450ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 130 - 150 tấn/năm.
Nhựa sơn được các thương nhân, thợ sơn đánh giá là có chất lượng tốt, vì có độ bám, độ bền cao. Nhờ chất lượng tốt, sản lượng tiêu thụ nhựa sơn trên thị trường trong nước và xuất khẩu những năm qua ngày càng cao, dẫn đến diện tích cây sơn ta trên địa bàn huyện được mở rộng.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, giá sơn xuống thấp nên người dân một số xã đua nhau chặt nhằm thay thế cây trồng khác.
Theo ông Phong, sơn là cây chủ lực trên vùng đất lâm nghiệp của huyện do vậy huyện không bao giờ khuyến khích người dân phá bỏ cây sơn trồng cây khác; không mở rộng nhưng phải giữ vững. Cái khó cho việc duy trì ổn định diện tích sơn là việc tiêu thụ khó khăn, hiện nay sơn vẫn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch là chính.
"Chúng tôi rất mong nhà nước quan tâm hơn về nguồn tiêu thụ giúp cây sơn tiếp tục phát triển”, ông Phong nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.