Liều chặt bỏ 10ha cà phê để trồng dược liệu, chị Huệ thu lãi cao

Thứ bảy, ngày 02/09/2017 06:00 AM (GMT+7)
Một hộ dân xã Ðạ K’Nàng (huyện Ðam Rông, tỉnh Lâm Đồng) đã mạnh dạn nhổ bỏ 10ha cây cà phê catimor truyền thống để thay thế hoàn toàn bằng cây dược liệu đương quy. Qua thời gian trồng thử nghiệm, cây dược liệu trên đang dần chứng tỏ hiệu quả kinh tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

“Cái khó ló cái khôn”

Từ ngã ba Huế rẽ vào khoảng 3 km (hướng xã Đạ K’Nàng) là vườn dược liệu của hộ chị Nguyễn Thu Huệ. Những vườn cà phê catimor xen lẫn vườn ngô, chanh dây, được người dân trồng rải rác quanh thôn, xóm. Rồi vườn cây dược liệu đương quy từ xa hiện ra nhác giống một vườn khoai lang, xanh mượt, từng hàng nối tiếp nhau thoáng đãng trải dài dưới chân núi. Lúc này trời mưa lác đác nhưng vẫn có khoảng chục công nhân đang tỉ mẩn nhặt cỏ giữa luống, mùi thơm đặc trưng từ cây dược liệu đương quy tỏa ra ngào ngạt trong không khí. 

img

Lần đầu tiên, người dân thử sức trồng cây dược liệu đương quy trên mảnh đất Đạ K’ Nàng. Ảnh: C.T

Chị Huệ kể mình là hộ dân đã vào lập nghiệp ở Đạ K’Nàng từ những năm 1995. Từ đó đến nay, ngoài kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng gia đình chị còn trồng loại cây cà phê catimor trên mảnh đất rộng 10ha. Với diện tích lớn, cộng với khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, mỗi năm trừ chi phí cũng thu vài trăm triệu đồng.

Thế nhưng, vài năm trở lại đây giá cà phê catimor không ổn định, giá phân ngày một tăng cộng với công chăm sóc, thu hoạch tăng nên trừ chi phí lợi nhuận không còn cao như những năm trước đó. Điều đặc biệt, do dịch bệnh nấm, bọ xít muỗi chưa có thuốc diệt dứt điểm, năng suất cà phê xuống thấp đã khiến chị nghĩ tới hướng chuyển đổi sang một loại cây trồng khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Đang loay hoay chưa biết chọn loại cây trồng nào thì chị tình cờ nghe một người bạn nói trồng thử cây đương quy giá rất ổn định, công chăm sóc, tiền phân,… giảm đáng kể so với cây cà phê. “Ban đầu tôi nghe giống cây dược liệu này cũng thấy phù hợp nhưng nghĩ trồng rồi bán cho ai, giống lấy ở đâu và đặc biệt vùng đất này có hợp với khí hậu, chất đất hay không? Cho tới giữa năm 2015, do em trai tôi từ TP Hồ Chí Minh về chơi nói có quen một người bạn làm trong Viện dược liệu - Bộ Y tế, am hiểu đặc biệt về cây đương quy sẵn sàng tư vấn, tới tận nơi chỉ dạy nên tôi mạnh dạn phá 3 sào cà phê để trồng thử nghiệm” - chị Huệ chia sẻ về cơ duyên tới với cây đương quy. 

img

Theo Đông y, đương quy được đánh giá là thuốc đầu vị trong việc chữa các loại bệnh của phụ nữ, đồng thời là vị thuốc hàng đầu trong các bài thuốc bổ huyết kinh điển. Ảnh minh họa

Tháng 9/2016, sau thời gian thử nghiệm tương đối an tâm, cây phát triển đúng như ý mình. Từ khí hậu, nhiệt độ, độ pH, nguồn nước,… đều khá phù hợp với cây trồng mới, gia đình chị Huệ đánh liều nhổ bỏ hết số cà phê gần 20 năm qua để xuống giống trồng 10 ha đương quy.

Để hoàn thành quy trình trồng, chị Huệ sang tận thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), một số nơi trồng khác tại địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm trồng và xử lý sâu bệnh,… Trong quá trình trồng, gặp vấn đề gì khúc mắc thì chị lên mạng internet tìm đọc. Cái gì không có trên mạng thì chị hỏi cán bộ tại Viện dược liệu nên dần hoàn thiện kỹ thuật trồng qua từng giai đoạn cây phát triển. 

Hướng tới trồng liên kết

Dẫn chúng tôi vào một vườn đương quy rộng hơn 2ha, cao không quá 35cm, chị Huệ giải thích: “Giờ cây xanh đẹp vậy chứ khi mới trồng tôi cũng lo lắng lắm, nhiều lúc lá cây xuất hiện nấm, lá vàng không rõ nguyên nhân tưởng phải nhổ bỏ”. Hiện diện tích đương quy của gia đình trồng tại 3 nơi, áp dụng hoàn toàn hệ thống tưới nước, phân nhỏ giọt. Thử nhổ một vài cây đương quy cho chúng tôi xem, một công nhân phụ trách kỹ thuật cho biết củ đương quy đã nặng khoảng 8 lạng, tới tháng thứ 15 có thể nặng tầm 1,5 kg. Một ha có thể cho thu hoạch khoảng gần 20 tấn củ tươi.

img

Hoa đương quy có màu xanh trắng hợp thành cụm hoa hình tán kép gồm 12-40 hoa. Ảnh minh họa

Chị Huệ cho hay, nhiều người lầm tưởng trồng đương quy dễ nhưng lại rất khó. Rất nhiều vấn đề trong sách, trên mạng internet không thể hướng dẫn chi tiết. Dễ nhận thấy nhất là quy trình trồng đương quy nếu chất đất, nguồn nước, khí hậu từng vùng không phù hợp thì hoạt chất củ mỗi nơi sẽ cho ra kết quả rất khác nhau. Đồng thời, ngay cả việc tự nhân giống, mua trôi nổi ngoài thị trường cũng dẫn tới hàm lượng chất củ không đảm bảo. Như đầu năm 2016, chị Huệ đi nhiều nơi và thấy người dân bán củ đương quy giá chênh lệch từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. 

 “Sau khi tham khảo nhiều nơi, đi tìm đầu ra, nơi kiểm tra hàm lượng chất tôi quyết định trồng diện tích lớn nhưng chỉ lấy giống ở công ty có uy tín. Cuối tháng 7 vừa rồi khi cây sinh trưởng tới tháng thứ 9, tôi đào 200 kg đương quy gửi ra Viện dược liệu để nhờ kiểm tra thì có kết quả rất tốt, chỉ số hàm lượng chất đạt nên nhiều nơi sẵn sàng mua với số lượng lớn đương quy tôi trồng. Điều này khiến gia đình hết sức vui mừng vì thổ nhưỡng tại đây rất phù hợp” - chị Huệ nói.

Chị Huệ cũng khẳng định với 10ha đương quy sắp tới thời gian thu hoạch, gia đình tin tưởng có thể mở rộng diện tích, liên kết trồng với người dân trong xã Đạ K’Nàng theo hình thức: người dân bỏ đất, công chăm sóc, gia đình chị Huệ cung cấp giống, quy trình trồng, hệ thống tưới nhỏ giọt và bao tiêu mua sản phẩm sau thu hoạch. Ban đầu có thể liên kết với khoảng 30 hộ dân trong xã.

Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông nhìn nhận, mô hình trồng dược liệu đương quy của gia đình chị Huệ có quy mô lớn và quy trình trồng bài bản, nếu thành công rất đáng được khuyến khích, nhân rộng mô hình cho người dân trong xã. Tuy nhiên, ông Chính cho biết, hiện trong quy hoạch tái canh cà phê, quy hoạch vùng chuyển đổi cây trồng các năm sắp tới cây dược liệu đương quy chưa được đưa vào danh mục khuyến khích trồng.

“Đây là một mô hình chuyển đổi cây trồng mới, tiềm năng nhưng để đảm bảo cây có thể phát triển bền vững, lâu dài, sắp tới chúng tôi cần kiểm tra, rà soát kỹ những khâu như: điều kiện khí hậu, chất đất, nguồn nước, khâu nhập giống, đầu ra cho sản phẩm… Khi đảm bảo có quy trình chặt chẽ, cây phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân chúng tôi sẽ kiến nghị UBND huyện đưa loại cây trồng trên vào danh mục quy hoạch, từ đó nhân rộng để phát triển ở các xã khác trên địa bàn” - ông Nguyễn Văn Chính chia sẻ.

C.Thành - N.Ngà (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem