Gia tăng lao động thất nghiệp: Đường cùng là... về quê

Thứ tư, ngày 25/04/2012 16:25 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ mất việc làm tại chỗ, nhiều lao động di cư làm việc tại các khu công nghiệp, lao động tự do ở các thành phố lớn cũng mất việc. Quay về quê, nhiều khó khăn cũng khiến nhiều người bế tắc.
Bình luận 0

Chuyển thất nghiệp… về quê

Ngày 24.4, Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam cho biết, từ tháng 2 đến nay, trung tâm phải giải quyết 1.788 bộ hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, tăng gấp nhiều lần so với cùng thời điểm năm 2011. Cũng theo trung tâm, có đến 1.000 bộ hồ sơ là ở các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... chuyển về.

img
Lao động thất nghiệp các nơi về đăng ký tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam.

Ông Võ Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam cho biết, hầu hết họ là lao động tại các khu công nghiệp phía Nam. Do doanh nghiệp trả lương thấp, giá cả đắt đỏ, phải tăng ca liên tục và điều kiện làm việc kém nên công nhân phải trở lại quê nhà với hy vọng sẽ tìm được việc làm mới.

Chị Trần Thị Hoa (24 tuổi, trú Tam Kỳ) có 3 năm làm công nhân tại một xí nghiệp sản xuất giấy vàng bạc ở TP. HCM, cho biết: “Công ty chưa đến nỗi sa thải lao động nhưng chỉ sản xuất cầm chừng nên thu nhập của công nhân rất thấp. Trong khi đó chi phí sinh hoạt ở TP.HCM đắt đỏ nên em và nhiều công nhân khác trong công ty quyết định nghỉ việc về quê tìm một công việc khác phù hợp để làm. Nhưng về quê 3 tháng rồi mà vẫn chưa tìm được một công việc nào vì bây giờ ở đâu cũng khó khăn”.

Thực tế ngay tại Quảng Nam, trong tháng 3 và 4, số lao động tại chỗ thất nghiệp cũng tăng chóng mặt do hàng loạt doanh nghiệp sa thải. Như Công ty Gạch Prime (huyện Đại Lộc) có đến hơn 100 lao động nghỉ việc, Công ty Chế biến thực phẩm (Khu công nghiệp Thuận Yên, Tam Kỳ) cũng có 50 công nhân phải thất nghiệp…

Trước thực trạng này, theo ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam, nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút số lao động ly hương mất việc trở về vào làm việc. “Ngoài ra, trung tâm đang xin vốn để mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho lao động thất nghiệp và liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tìm đầu ra cho lao động sau khi học nghề” - ông Tưởng cho biết.

Về rồi lại đi

Không chủ động được như Quảng Nam, nhiều lao động ở Nghệ An quay về quê rồi lại phải mải mốt lao đi. Tại Nghệ An, một số huyện có số lượng lao động di cư rất lớn như Yên Thành, Diễn Châu, mỗi huyện có hơn 3.000 lao động, huyện Quỳnh Lưu có 4.000 lao động. Hầu hết số lao động này đi làm ở các công ty may, làm thuê, làm cửu vạn, phụ hồ ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Do thiếu việc làm, một số quay trở về quê nhưng rồi lại phải ra đi vì ở quê cũng không có việc.

Một vùng quê khác là xã Liên Minh (Vụ Bản, Nam Định) và các xã lân cận có 5.000-6.000 lao động đi làm ở TP.HCM mỗi năm. Hiện giờ đã có vài trăm lao động quay về.

Ngày 24.4, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hùng, xã Đồng Thành (huyên Yên Thành, Nghệ An) làm phụ hồ ở TP.HCM quay về quê, giờ lại chuẩn bị xách túi ra Hà Nội. Anh Hùng cho biết: “Trước, chúng tôi đi làm theo nhóm, công việc và thu nhập cũng khá. Giờ các công trình xây dựng ít đi, đi làm vật vờ thì vừa nguy hiểm vừa không có thu nhập. Tôi cũng tính xin vào xí nghiệp giày da làm nhưng giờ việc ít, các xí nghiệp lại có xu hướng không tuyển người Nghệ An vì cho rằng hay đánh nhau”. Về quê 1 tháng không có việc, anh Hùng lại tính ra Hà Nội làm thuê “được đồng nào hay đồng đó”- anh cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Yên Thành bày tỏ: “Huyện cố gắng tạo làng nghề cho lao động trở về làm nhưng không ăn thua. Hiện trên địa bàn có các làng mây tre đan như Phú Mỹ Thành, Hồng Thành… nhưng bản thân người làm nghề ở các làng này cũng khó khăn, khó tạo việc làm cho lao động nơi khác. Mà nghề này thu nhập rất thấp, chủ yếu làm lúc nông nhàn, không hấp dẫn lao động”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem