Sáng 6/6, phóng viên Dân Việt có mặt ở nơi có diện tích thanh long chiếm số lượng lớn: xã Vĩnh Công, xã Hiệp Thạnh, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, chứng kiến nhiều nông dân đang tất bật ra vườn để chăm sóc trái thanh long chuẩn bị thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Tương (57 tuổi, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) chia sẻ, hai năm trước thanh long rớt giá gần như bằng không, đến kỳ thu hoạch trái chín đỏ nhưng không có ai mua đành phải cắt bỏ, sau đó phá luôn cây bỏ đất hoang. "Cứ loay quay tính toán trồng cây gì, giống gì mà nghĩ hoài chẳng ra. Đến bây giờ nhiều nhà vườn vẫn để đất hoang, còn tôi "ôm" luôn, không ngờ lại có kết quả ngày hôm nay", ông Tương phấn khởi.
"Nhiều nhà vườn phá cây thanh long, họ bỏ đất hoang nay hơn 1 năm chưa biết chọn giống cây gì để tiếp tục trồng trên vùng đất này. Tôi cũng bỏ gần 50% diện tích, phần còn lại hơn 5.000 m2 thanh long ruột đỏ, nay được được mùa, trúng giá", ông Nguyễn Văn Hồng (64 tuổi, ngụ ấp 8, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An nói.
Theo giá thị trường, thương lái đến tận vườn báo giá thanh long ruột trắng 11.000-13.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ loại 1 từ 40.000-43.000 đồng/kg, loại 2 từ 35.000-38.000 đồng/kg, loại 3 từ 30.000-32.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Hồng vừa bán trên 10 tấn thanh long với giá 35.000 đồng/kg, trừ chi phí ông bỏ túi trên 200 triệu đồng.
Nhiều nhà vườn cho biết, thương lái đến tận vườn thu mua, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu.
Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành hiện vẫn vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của Long An, diện tích còn khoảng 8.000 ha thanh long, trong số này đang cho trái trên 5.500ha.
Thời điểm mùa dịch Covid-19 kéo dài, thanh long rớt giá thê thảm, nhà vườn đành chấp nhận buông tay để chọn hướng đi mới. Chính vì sợ loại trái cây ưa chuộng lâu nay sẽ "hết thời" nên đã có trên 3.540ha thanh long (ruột đỏ và trắng) bị phá bỏ ồ ạt.
Bà Nguyễn Thị Thắm (58 tuổi, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) kể lại, từng phá bỏ 3 ha thanh long ruột đỏ vì không thể "ôm mãi" vườn thanh long với giá bán 2.000 - 3.000 đồng/kg. "Cao điểm chín rộ chẳng ai thèm quan tâm trái thanh long lớn nhỏ ra sao, thì giữ vườn làm gì. Giờ tôi đang tính kế hoạch trồng lại loại ruột đỏ và ruột vàng", bà Thắm bộc bạch.
Theo số liệu mới nhất, toàn tỉnh Long An hiện còn 8.730ha thanh long. Đến nay, đã có 226 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu hanh long sang các thị trường trên thế giới.
"Ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, tích cực xử lý trái vụ mùa, đồng thời vận động nông dân tham gia vào các hợp tác xã để thực hiện tốt liên kết tiêu thụ. Ngành chuyên môn sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư nhà máy chế biến sâu, kho lạnh ở huyện trọng điểm", ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NNPTNN tỉnh Long An cho biết.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NNPTNN tỉnh Long An, nếu không đẩy mạnh xuất khẩu bằng con đường chính ngạch, rất khó để tạo điều kiện cho nhà vườn trồng thanh long phát triển bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.