Đồng thuận liên kết
Nói về cách thức người trồng tiêu “vượt qua khủng hoảng”, có thể kể câu chuyện của HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp (tỉnh Đăk Nông). Nơi đây, những người trồng tiêu đang liên kết với nhau để sản xuất hồ tiêu sạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Ông Đặng Tấn Huynh - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận chia sẻ, đa số thành viên trong HTX vốn là những nông dân sản xuất hồ tiêu giỏi trong vùng, năng suất luôn đạt trên 8 tấn/ha, thậm chí có hộ đạt 12 tấn/ha.
Để giá tiêu đạt độ ổn đinh, bền vững người nông dân cần thay đổi cách canh tác (Trong ảnh: Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lại Xuân Môn (giữa) thăm vườn tiêu sạch tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước)
"Để giá tiêu ổn định, cần thay đổi phương thức canh tác. Hiện nay khi sản xuất tiêu sạch, việc sử dụng thuốc BVTV của người dân đã được hạn chế nhiều; dùng các loại phân hữu cơ, phân sinh học. Đồng thời, chủ động phòng ngừa sâu bệnh thông qua quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Nhờ đó, các vườn tiêu có sức sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Người trồng cũng giảm được nhiều tiền mua thuốc”.
Ông Nguyễn Văn Tý
(ấp 4, xã Lâm San)
|
Ban đầu, HTX có 11 thành viên, chính thức đi vào hoạt động tháng 9.2016. Ngay từ đầu, HTX đã khoanh vùng 50ha liền kề nhau của các hộ thành viên để tạo thành một vùng nguyên liệu. Những thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, hướng dẫn của bộ phận kỹ thuật và sự giám sát chặt chẽ của ban kiểm soát môi trường...
HTX khuyến khích các hộ bảo tồn giống hồ tiêu của địa phương thông qua các mô hình vườn ươm và chăm sóc theo tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Xã viên phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường; quy trình chăm sóc, thu hoạch tuân thủ nghiêm ngặt theo chương trình sản xuất hữu cơ, được chứng nhận GlobaGAP. Cũng vì thế, mà giá tiêu đã có nhiều thay đổi.
Anh Đào Duy Hải - Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận cho hay, việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ không thể cho năng suất cao như trước. Tuy nhiên đổi lại, cây rất ít bệnh, năng suất được giữ mức ổn định, trung bình đạt từ 3 - 4 tấn/ha, chăm sóc tốt đạt từ 5 tấn/ha trở lên.
Ông Huynh cho biết, cách làm của HTX có phần khác lạ. Thay vì tìm được khách hàng thì HTX lại sản xuất, xây dựng thương hiệu rồi mới tìm khách hàng. Bởi đây là xu hướng sản xuất tất yếu, không thể chậm trễ kéo dài thêm. Hiện sản phẩm của HTX được một số công ty thu mua và xuất khẩu.
Tuân theo quy luật thị trường
Tương tự như HTX Đồng Thuận, nhiều vùng trồng hồ tiêu lớn cũng đang đẩy mạnh triển khai các mô hình nông dân tự liên kết và kết hợp với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu sạch.
Tại tỉnh Gia Lai, theo ông Nguyễn Minh Tứ - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, huyện cũng đã kêu gọi được Công ty Ô Lam kết hợp với Công ty Trường Thịnh đầu tư dự án mô hình trồng tiêu sạch theo chuỗi giá trị VietGAP với kinh phí trên 100 tỷ đồng tại xã Ia Le. Theo đó, Công ty Ô Lam sẽ xây dựng các vườn ươm cung cấp giống đạt chuẩn để triển khai trồng 100ha và hướng tới sẽ chuyển giao công nghệ cho nông dân mở rộng diện tích trên địa bàn.
Diễn biến giá tiêu ngày 29.9
Trong ngày 29.9, giá tiêu tại nhiều nơi hầu hết giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg, mức giá thấp nhất được ghi nhận là 81.000 đồng/kg.
Theo dự báo, giá tiêu trong ngày hôm nay 30.9 sẽ tiếp tục rơi vào đà suy giảm như những ngày qua.
|
Là đơn vị tham gia liên kết với người trồng tiêu các tỉnh Đông Nam Bộ, ông Willem Van Watt Meijer - Tổng Giám đốc Công ty Nedspice khẳng định: Hiệu quả của 3 năm liên kết sản xuất chuỗi giá trị tiêu sạch giữa nông dân và Nedspice là người trồng tiêu nâng cao nhận thức sản xuất tiêu sạch bền vững.
Ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Lộc Thiện (Lộc Ninh, Bình Phước) - thành viên CLB sản xuất tiêu sạch bền vững Lộc Thiện, hiện có hơn 1.000 trụ tiêu, trong đó 600 trụ đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 3kg/trụ. Tham gia CLB giúp ông muốn tiêu giảm sâu bệnh, đạt chất lượng thì phải trồng và chăm sóc theo hướng kết hợp vô cơ, hữu cơ.
Để có sản phẩm sạch theo yêu cầu của Công ty Nedspice ông Tiến không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có độc tố cao, không sử dụng các hoạt chất thị trường Mỹ, Nhật, EU cấm sử dụng trong hồ tiêu như carbendazim, perethrin, metalaxyl, chloprifos ethyl... Ưu tiên phòng trừ nấm, sâu rầy, rệp bằng nấm đối kháng, mua phân bón, thuốc BVTV của các công ty uy tín. Thu hoạch bảo đảm đúng thời gian cách ly sử dụng thuốc BVTV.
Quy trình sản xuất tiêu sạch của ông Tiến cũng là quy trình của 523 thành viên tham gia 24 CLB sản xuất tiêu sạch bền vững liên kết với Công ty Nedspice trên địa bàn 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản (Bình Phước) từ năm 2013 đến nay. Nedspice ký hợp đồng tiêu thụ với các HTX sản xuất hồ tiêu bền vững kiểu mới và dự kiến đến năm 2020, sẽ có khoảng 2.000 hộ trồng tiêu sạch, sản lượng 3.000 tấn có hợp đồng tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp.
Tiêu sạch vẫn rộng cửa
Trong bối cảnh giá hồ tiêu liên tục giảm, hướng liên kết trồng tiêu sạch ở một số tỉnh Đông Nam Bộ cũng mở ra hướng đi đầy triển vọng. Khởi đầu chỉ với hơn 20 hộ tham gia, sau hơn 2 năm, chuỗi liên kết sản xuất tiêu sạch tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) do HTX nông nghiệp Lâm San tổ chức đã thu hút được 750 hộ dân tham gia với hơn 1.000ha tiêu. Đến nay, Lâm San là HTX đầu tiên ở nước ta xuất khẩu được hồ tiêu sang thị trường châu Âu. Hiện nay, tiêu sạch Lâm San đã có thương hiệu và luôn “cung không đủ cầu”.
Tiêu sạch, không còn dư lượng thuốc BVTV nên được HTX Lâm San thu mua với giá cao hơn. Ngoài việc mua theo giá thị trường, mỗi kg tiêu sạch còn được HTX thưởng thêm 10.000 đồng. Tính ra, nông dân ở các tổ hợp tác có thêm khoảng 10 triệu đồng/tấn tiêu mà không lo thiếu đầu ra. Hiện toàn xã Lâm San có 15 tổ hợp tác với hơn 750 hộ tham gia làm tiêu sạch.
Ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX Lâm San cho biết, sản xuất tiêu sạch không có nghĩa là không được sử dụng thuốc BVTV. Vấn đề là khi nào cần xịt, sử dụng bao nhiêu là vừa để hạt tiêu không còn dư lượng thuốc. “Muốn làm được vậy, nông dân cần được hỗ trợ kiến thức. Lúc đầu người dân cứ tưởng làm tiêu sạch rất khó nhưng khi được hỗ trợ kiến thức thì lại thấy đơn giản. Do đó, họ tham gia ngày càng đông” - ông Luân kể.
Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh: Cần đẩy mạnh liên kết!
Từ năm 2013, Phúc Sinh đã đẩy mạnh hoạt động liên kết với nông dân trồng hồ tiêu tại Đăk Lăk, tổ chức sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn bền vững (SAN). Kết quả, từ 326 hộ trồng tiêu ở Đăk Lăk với khoảng 310ha ban đầu, đến năm 2016, công ty đã phát triển diện tích vườn tiêu đạt chuẩn SAN lên 460ha.
Dự kiến đến năm 2018, Phúc Sinh sẽ có 2.000 tấn tiêu sạch, đạt tiêu chuẩn SAN ở Đăk Lăk và Bà Rịa – Vũng Tàu, phục vụ xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Trong tình hình nhiều vườn tiêu trồng mới đã chết hàng loạt vì nhiễm bệnh, việc lạm dụng thuốc BVTV, phân hóa học khiến rủi ro trong sản xuất, kinh doanh hồ tiêu tăng cao... đòi hỏi doanh nghiệp phải sát cánh với người sản xuất, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân trong canh tác.
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Sớm xác định vùng trồng tập trung
Không thể cứ vì hồ tiêu mang lại lợi nhuận khủng mà phát triển nóng, tăng diện tích ồ ạt như những năm qua. Do đó, doanh nghiệp và ngành trồng trọt phải sớm xác định được các vùng trồng tập trung đối với hồ tiêu, sau đó đẩy mạnh đầu tư, phát triển ở những vùng này. Việc tiếp theo là liên kết sản xuất tại các vùng tập trung này. Ngoài ra, sau khi xác định được các vùng sản xuất tập trung, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải phát huy vai trò cầu nối, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp, hội viên và nông dân trong các vùng sản xuất, kịp thời tiếp cận tình hình giá cả thị trường và những tiến bộ kỹ thuật của thế giới…
Năm nay, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu phải giải quyết cơ bản các vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm xuất khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group: Nông dân bắt đầu chán cây tiêu
Bộ NNPTNT ước tính sản lượng hồ tiêu vụ 2017 sẽ khoảng 215.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, sản lượng tăng cao tới mức không thể kiểm soát được đang khiến sản xuất hồ tiêu của nước ta đi vào trạng thái không còn bền vững. Nông dân nhiều nơi đang bắt đầu hoang mang khi giá xuống đã gần sát với mức đầu tư, đặc biệt là với nông dân vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng hồ tiêu. Cũng vì biến động giá, diện tích hồ tiêu trồng mới có phần chững lại, ở một số tỉnh trồng hồ tiêu diện tích lớn số lượng và giá cả dây tiêu giống và trụ tiêu bán ra đều giảm mạnh. Nông dân Đăk Lăk, Đăk Nông thấy giá tiêu xuống mạnh đã bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác có triển vọng thị trường tốt là bơ, sầu riêng, còn ở Bình Phước, Đồng Nai… nhiều vườn tiêu đã được chuyển sang trồng bưởi da xanh…
P.V (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.