Giá tôm, cá tra tăng vù vù, nhà nông cười "phớ lớ" vì lãi khủng

Ngân Hương Thứ hai, ngày 05/02/2018 14:01 PM (GMT+7)
Theo Bộ NN&PTNT, giá tôm nguyên liệu trong tháng 1/2018 có xu hướng tăng so với cuối năm 2017 do nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy tăng. Đặc biệt, giá cá tra cũng liên tục ở mức cao trong nhiều tháng qua, giúp nhà nông thu lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.
Bình luận 0

Năm 2017 khép lại, ngành hàng cá tra được đánh giá là thành công nhất trong nhiều năm gần đây, khi giá cá tra đạt đỉnh cao nhất trong 10 năm qua.

img

Giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức cao trong nhiều tháng nay, từ 27.000-29.000 đồng/kg, thậm chí có lúc còn đạt 30.000 đồng/kg, giúp nông dân phấn khởi vì thu lãi lớn. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 1.2018 tiếp tục vững ở mức cao do nguồn cung vẫn hạn chế. Cụ thể, giá cá tra dao động ở mức 27.000 – 29.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, kích cỡ và phương thức thanh toán. 

Cũng trong tháng 1 năm 2018, sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 90.200 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Với giá bán như trên, người nuôi sẽ thu lãi khoảng 7.000 - 9.000 đồng/kg tùy mô hình. 

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang (Sở NN&PTNT tỉnh An Giang) cho hay: “Toàn tỉnh có khoảng 833ha nuôi cá tra, sản lượng hơn 287.339 tấn. Giá thành nuôi cá tra hiện nay khoảng 21.000 - 22.000 đồng/kg, trong khi giá bán cao hơn. Có thể nói, sau mấy năm người nuôi lận đận vì rớt giá thì nay nghề nuôi cá tra đã có chuyển biến tích cực”.

Tại Đồng Tháp, nhiều hộ nuôi cá đang rất phấn khởi vì giá tăng và tiêu thụ dễ dàng. Ông Nguyễn Thanh Bình, ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho hay: “Tôi chuẩn bị bán 300 tấn cá tra với giá mà doanh nghiệp đặt mua khoảng 28.000 - 29.000 đồng/kg, ước tính trừ hết các khoản chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt được gần 3 tỷ đồng; mức lời khá cao trong vài năm nay”.

img

Nông dân ĐBSCL vô cùng phấn khởi vì giá cá tra đang ở mức cao, giúp bà con thu lợi nhuận cao nhất trong khoảng 10 năm nay. Ảnh: Thanhnien

Còn ông Nguyễn Văn Na, Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) cũng chia sẻ thêm, nhờ giá cá tra tăng nên người nuôi cá ở xã cù lao như Tân Bình, Tân Quới, Tân Huề… ai cũng có lãi để mua sắm chuẩn bị cái tết Nguyên đán tươm tất.

Theo phân tích của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, sở dĩ giá cá tra liên tục ở mức cao là nhờ xuất khẩu thời gian qua ở các thị trường châu Mỹ, châu Á… khá tốt; trong khi đó, sản lượng cá tra nguyên liệu trong nước không tăng vì ảnh hưởng thời tiết xấu và khan hiếm con giống.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết, năm 2017 diện tích nuôi mới cá tra ở các tỉnh ĐBSCL khoảng 3.300ha (tăng 14%), diện tích thu hoạch là 3.415ha (tăng 7%), sản lượng đạt 1,06 triệu tấn (tăng 5% so với năm 2016) với năng suất trung bình đạt 309 tấn/ha (so với năm 2016 là 313 tấn/ha).

Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1,75 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường Trung Quốc đang vươn lên đứng đầu, thứ hai là Hoa Kỳ…

Được biết, ở miền Nam và miền Bắc Trung Quốc, các món ăn chế biến từ cá tra rất phổ biến. Chuỗi Haididao ở Bắc Kinh là chuỗi nhà hàng với hơn 100 nhà hàng trên cả nước cũng sử dụng cá tra trong các món ăn của nhà hàng.

Một lý do khác cho sự phát triển nhanh chóng của cá tra ở Trung Quốc là tăng trưởng đối với các bữa ăn chuẩn bị trước như trong trường học và máy bay.

img

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mới nổi, nhưng giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng có xu hướng tăng: năm 2016 là 17,8%, năm 2017 tăng đột biến chiếm khoảng 40%. Ảnh minh họa

Bộ NN&PTNT cũng dự báo, giá cá tra nguyên liệu sẽ còn tiếp tục giữ mức ở mức cao do thị trường xuất khẩu tương đối thuận lợi, nguồn cung thì tăng không đáng kể, do người nuôi e ngại giá bán không ổn định, sợ sẽ lặp lại bài học khủng hoảng giá giảm sát đáy hồi đầu năm 2016 (chỉ từ 17.000 - 18.000 đồng/kg).

Cùng với cá tra, những người nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL cũng đang có vụ bội thu nhờ giá liên tục tăng ở mức cao - theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT. 

Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú loại 20 - 40 con/kg hiện đã tăng thêm 15.000 - 20.000 đồng/kg lên mức 160.000 - 260.000 đồng/kg so với tháng trước; giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 con/kg tăng 1.000 đồng/kg lên 128.000 đồng/kg, cỡ 60 con/kg tăng 6.000 đồng/kg lên 124.000 đồng/kg. 

Tại Sóc Trăng, giá tôm sú cũng đang tăng từ 5.000 - 15.000 đ/kg cho các cỡ từ 10 - 40 con/kg, đạt mức giá 189.000 - 322.000 đồng/kg. 

img

Năm 2017 người nuôi thủy sản ở ĐBSCL được mùa cả tôm và cá tra. Ảnh: TTXVN

Trong tháng 1/2018, các địa phương đã tích cực theo dõi sát sao tình hình nuôi thủy sản tại địa phương mình để khuyến cáo bà con nông dân các giải pháp nuôi và phòng chống dịch bệnh kịp thời, thông báo khuyến cáo khung mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2018. 

Theo đó, sản lượng tôm sú cả nước ước đạt 13.700 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 13.200 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. 

Sản lượng tôm thẻ ước đạt 17.600 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt đạt 6.100 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem