Giá xăng có thể chỉ giảm... 10 đồng/lần

Mai Hương Thứ bảy, ngày 20/09/2014 06:41 AM (GMT+7)
Giảm 30 đồng/lít xăng mới đây đã gây “sốc”, nhưng tại cuộc họp triển khai Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức tại Hà Nội hôm qua (19.9), Chủ tịch VINPA ông Phan Thế Ruệ cho biết, giá xăng tới đây có thể sẽ còn “phá” kỷ lục này, giảm chỉ 10 đồng/lần (?!).
Bình luận 0

Trả lời câu hỏi của Dân Việt về việc giá xăng mới đây chỉ giảm 30 đồng/lít, ông Phan Thế Ruệ đã lên tiếng rằng, chúng ta đừng nhìn việc giảm giá 30 đồng/lít xăng chỉ cho một người tiêu dùng bình thường mà phải nhìn ra toàn xã hội. 30 đồng giảm giá với một người đi xe máy có thể “không đáng” nhưng với những người mua hàng tấn xăng dầu là cả một vấn đề, cần phải nhìn tổng thể. 

Ông Ruệ cho biết, theo Nghị định 83 (có hiệu lực từ 1.11.2014) thì tới đây, giá xăng dầu thế giới lên bao nhiêu, giá trong nước sẽ lên bấy nhiêu; ngược lại giảm bao nhiêu sẽ cho giảm bấy nhiêu. “Giá xuống 30 đồng thì cho giảm 30 đồng, nếu xuống 20 đồng, thậm chí 10 đồng thì cũng sẽ giảm 10 đồng. Chúng ta chấp nhận theo thị trường thì không nên đặt ít quá, mà cần phải sòng phẳng”- ông Ruệ nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thẳng: Lập luận như ông Ruệ là không sai. Tôi cũng ủng hộ giảm giá xăng dầu được bao nhiêu quý bấy nhiêu” song chỉ sợ chính ngành xăng dầu lại “không sòng phẳng, lúc giảm thì giảm 10 đồng nhưng lúc tăng lại vọt lên vài trăm đồng, với đủ loại lý do”. Thực tế, theo ông Doanh, giá xăng dầu chưa bao giờ tăng “sốc” chỉ có 30 đồng/lít cả.

Một câu hỏi lớn cũng được đặt ra tại hội nghị này đó là giá xăng dầu tới đây theo nghị định mới có thực sự cạnh tranh theo thị trường, lên xuống theo thị trường và không có tình trạng DN “bắt tay nhau” tăng-giảm giá xăng dầu hay không? Một DN xăng dầu khẳng định: Với biên độ 3% sẽ khó để DN có thể “bắt tay nhau” tăng giá. Vì có thể có DN chỉ cần điều chỉnh 1% hoặc 2%. Mức độ 3% không lớn nên DN có thể tự điều chỉnh giá mà không cần phải “nhìn nhau”. DN này khẳng định: Petrolimex dù có nhiều cửa hàng nhưng cũng sẽ không thể chi phối hết vì nhiều cửa hàng khác có thể tăng cạnh tranh tăng giảm giá thấp hơn không chỉ đạt đến mức 3%!?

Dù ưu điểm lớn nhất của Nghị định 83 khi chính thức có hiệu lực tới đây theo cơ quan quản lý là người dân sẽ được hưởng giá xăng dầu theo thế giới, minh bạch trong cơ chế điều hành. Tăng giá trên 3% là phải báo cáo 2 bộ, thể hiện “bàn tay” quản lý. Việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng sẽ minh bạch hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch VINPA- ông Phan Thế Ruệ đã phải thừa nhận: Nếu không có hướng dẫn cụ thể thì nghị định này cũng sẽ “khó thực thi” trong thực tiễn kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Còn theo các DN xăng dầu, chậm nhất năm 2018-2019 Việt Nam phải mở cửa cho thị trường xăng dầu cho nước ngoài. Hiện nay đã có nhiều công ty tư vấn nước ngoài vào Việt Nam để điều tra về thương nhân, thị trường, kinh doanh xăng dầu của ta để dọn đường cho nước ngoài vào đầu tư. Nếu thị trường xăng dầu cứ thế này, DN không quan tâm đến hệ thống bán lẻ thì khi hội nhập sẽ rất khó khăn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem