Giá xăng dầu đang khó giảm, vì sao?

Mai Hương Thứ năm, ngày 09/04/2015 09:13 AM (GMT+7)
Theo dự kiến, ngày mai (10.4) là đến kỳ điều hành giá xăng dầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giá xăng dầu tới đây khó có thể giảm trong bối cảnh doanh nghiệp than khó, giá dầu thế giới lúc trồi lúc sụt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lại chuẩn bị tăng…
Bình luận 0

Có thể giảm, nhưng…

Giá dầu thế giới lúc tăng lúc giảm liên tục kể từ sau hôm 26.3 liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định giữ nguyên giá xăng, giảm nhẹ giá dầu. Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới phiên ngày 8.4 đã giảm trở lại mốc 52 USD/thùng, sau khi Saudi Arabica tăng sản lượng lên mức cao nhất vào tháng 3. Dầu WTI tại Hoa Kỳ giảm 1,09 USD xuống 52,88 USD/thùng; còn dầu Brent tại London giảm 61 cent xuống 58,49 USD/thùng. Trước đó một ngày (7.4), giá dầu thế giới đã tăng 3,53% hay 1,84 USD/thùng lên 53,98 USD/thùng. 

img
Giá xăng dầu đang khó giảm bởi các chính sách thuế, phí trong nước hiện nay. Ảnh: Ngọc Tuấn

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng đánh giá, biến động giá xăng dầu hơn 10 ngày qua không lớn, có tăng có giảm nhưng xu hướng chung vẫn là thấp. Với diễn biến này, giá xăng dầu trong nước vẫn có thể giảm cho người tiêu dùng trong kỳ điều hành tới bởi Quỹ bình ổn đã không còn bù giá cho mặt hàng xăng dầu như trong kỳ điều hành hôm 26.3, do vậy giá cơ sở mặt hàng xăng dầu sẽ thấp so với giá bán lẻ. Tuy nhiên "giá xăng dầu lại khó giảm bởi các chính sách thuế, phí trong nước hiện nay" - vị chuyên gia này nhận định.

Điển hình nhất là thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu trong nước sẽ tăng mạnh từ ngày 1.5 tới. Cụ thể, thuế BVMT đối với xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 đồng lên 1.500 đồng/lít. “Nếu giảm giá xăng dầu kỳ điều hành tới thì áp lực tăng giá mặt hàng này sau 1.5 sẽ là rất lớn. Do vậy, để tránh ảnh hưởng tới giá xăng dầu và để cho doanh nghiệp xăng dầu đỡ “kêu khó” vì thuế BVMT và tăng giá mạnh sau 1.5, giá xăng dầu ít ngày tới khó có thể giảm” - ông Thắng dự báo.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, thuế BVMT đối với xăng dầu tăng lên 300% nên rất khó để giá xăng dầu giảm tới đây, nhất là khi Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Từ 1.5 có giảm thuế nhập khẩu xăng dầu ngay xuống 20% hay không thì chưa thể nói được”.

“Ở đây có cả yếu tố tâm lý, do vậy trong kỳ điều hành tới, không tăng không giảm giá xăng dầu mà giữ ổn định giá mặt hàng này (trừ khi giá xăng dầu hai ngày tới sẽ tăng mạnh trở lại thì giá trong nước sẽ phải tăng lên) sẽ là phương cách tốt nhất được chọn khi thời điểm 1.5 sắp đến” - ông Long dự báo.

Chờ Bộ Tài chính “cân, đong, đo, đếm”

Ông Long cho rằng, dù tăng, giảm hay giữ nguyên giá xăng dầu trong kỳ điều hành tới đây thì giá xăng dầu sau 1.5 vẫn bị “đe dọa” tăng mạnh nếu giá xăng dầu thế giới tăng lên và Bộ Tài chính không giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. “Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động liên tục, tăng giảm thất thường như hiện nay, Quỹ bình ổn sẽ không có “đủ lực” để có thể giữ ổn định giá xăng dầu nếu thuế BVMT với mặt hàng này tăng mạnh như vậy” - ông Long nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính) thì cho rằng: “Thuế BVMT tăng 300% nhưng không phải đổ tất cả vào giá bán lẻ, mà Bộ Tài chính đã “chia lửa” bằng cách sử dụng quỹ bình ổn giá và giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, trong điều kiện bình thường, giá xăng dầu biến động ít, thuế BVMT tăng sẽ không làm tăng giá bán lẻ sau 1.5”. Tuy nhiên theo ông Thụy, trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng mạnh thì chắc chắn việc tăng thuế BVMT sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ mặt hàng này và giá xăng dầu sẽ phải tăng lên.

Ông Phạm Minh Thụy cũng cho hay, hiện các doanh nghiệp chủ yếu nhập xăng dầu từ Singapore nên theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - ASEAN, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi thuế. Bộ Tài chính cũng đang tính toán phương án điều hành để điều chỉnh mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) hiện hành bằng mức thuế ATIGA (mức thấp nhất theo các cam kết quốc tế) nhằm thống nhất mức thuế nhập khẩu xăng dầu. Chúng ta sẽ chờ kết quả “cân, đong, đo, đếm” cuối cùng đưa ra từ Bộ Tài chính để đánh giá chính xác tác động tới giá bán lẻ xăng dầu trong nước tới đây và sau 1.5.

Được biết, tại cuộc họp báo ngày 7.4, Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, khi áp thuế BVMT, Bộ Tài chính sẽ tính toán linh hoạt sử dụng công cụ quỹ bình ổn, chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp để cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem