Giá xăng dầu hôm nay 8/1: Lao dốc, doanh nghiệp có thể tự định giá xăng dầu
Giá xăng dầu hôm nay 8/1: Lao dốc, doanh nghiệp có thể tự định giá xăng dầu
Nguyễn Phương
Chủ nhật, ngày 08/01/2023 08:02 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 8/1: Giá xăng dầu đã đánh dấu sự khởi đầu năm mới bằng tuần giảm đầu tiên. Cả dầu Brent và WTI đều “trượt” sâu tới hơn 8% xuống dưới mức 80 USD/thùng. Trong nước, dự thảo về kinh doanh xăng dầu đang lấy ý kiến cho phép doanh nghiệp có thể tự định giá xăng dầu, đưa giá dần về thị trường...
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu Brent và WTI trái chiều với mức tăng, giảm thấp khi thị trường cân bằng giữa sự biến động của đồng bạc xanh và báo cáo việc làm của Mỹ.
Mặc dù kết thúc tuần ở mức trái chiều, nhưng cả hai loại dầu thô tiêu chuẩn này đều đã có trải nghiệm tuần đầu tiên của năm 2023 ở thế lao dốc do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tính cả tuần, dầu Brent và dầu WTI đều giảm hơn 8%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2016. Cả hai loại dầu này đã tăng khoảng 13% trong ba tuần trước đó.
Giá dầu thế giới được ghi nhận kết thúc tuần, vào sáng ngày 7/1 (theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 73,77 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 78,56 USD/thùng.
Trước đó ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 7/1/2023, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2023 đứng ở mức 73,73 USD/thùng, tăng 0,06 USD trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 6/1, giá dầu WTI giao tháng 2/2023 đã giảm 0,36 USD/thùng.
Trong khi giá dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 78,55 USD/thùng, giảm 0,14 USD trong phiên và đã giảm 0,64 USD so với cùng thời điểm ngày 6/1.
Dữ liệu nhu cầu yếu từ Trung Quốc, triển vọng kinh tế ảm đạm, và sự mạnh lên của đồng USD đã đẩy giá dầu lao dốc tới 4% trong phiên giao dịch ngày 3/1 đầy biến động đầu tiên của năm 2023. Giá dầu đã đảo chiều trượt dốc sau khi tăng 1 USD lúc đầu phiên.
Giá dầu tiếp đà trượt dài thêm hơn 4 USD trong phiên giao dịch ngày 4/1. Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy, giá dầu Brent đã giảm khoảng 9,4% kể từ đầu năm xuống mức 77,84 USD/thùng. Đây là mức giảm phần trăm sâu nhất trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của bất kỳ năm nào trong hơn 3 thập kỷ qua.
Sau hai phiên “lao dốc không phanh”, giá dầu đã lấy lại được đà tăng, “bỏ túi” khoảng 1% tại phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Sự tăng của giá dầu chịu tác động bởi dữ liệu về dự trữ nhiên liệu của Mỹ.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu Brent và WTI đã kết thúc trái chiều khi thị trường cân bằng giữa sự biến động của đồng bạc xanh và báo cáo việc làm của Mỹ.
Theo các chuyên gia, giá dầu dự kiến sẽ tăng nhẹ vào năm 2023 do bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm và dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đe dọa tăng trưởng nhu cầu, bên cạnh đó có tác động thiếu hụt nguồn cung do lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tại lần khảo sát tháng 12/2022, với sự tham gia của 30 nhà kinh tế và phân tích, kết quả cho thấy dự báo dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 89,37 USD/thùng trong năm 2023, thấp hơn khoảng 4,6% so với mức giá 93,65 USD/thùng tại cuộc khảo sát tương tự hồi tháng 11/2022. Giá trung bình của dầu thô Brent trong năm 2022 là 99 USD/thùng. Dầu thô của Mỹ được dự đoán ở mức trung bình 84,84 USD/thùng vào năm 2023, thấp hơn khoảng 3,4% so với dự báo 87,80 USD/thùng của cuộc khảo sát tháng trước đó.
"Chúng tôi cho rằng thế giới sẽ rơi vào suy thoái giai đoạn đầu năm 2023 do tác động của lạm phát cao và lãi suất tăng", Bradley Saunders, một nhà tư vấn kinh tế tại Capital Economics, cho biết.
Dầu Brent đã giảm hơn 15% kể từ đầu tháng 11/2022 và được giao dịch quanh mức 84 USD/thùng những ngày cuối năm 2022 do các ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc làm giảm kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Hầu hết các nhà phân tích cho biết nhu cầu dầu sẽ tăng đáng kể trong nửa cuối năm 2023, do việc nới lỏng các hạn chế do Covid-19 ở Trung Quốc và việc các ngân hàng trung ương áp dụng cách tiếp cận lãi suất thấp hơn.
Cuộc khảo sát cho thấy tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga dự kiến sẽ ở mức tối thiểu. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết: “Chúng tôi không mong đợi tác động từ mức giá trần, vốn được thiết kế để mang lại khả năng thương lượng cho người mua ở nước thứ ba”.
Chính phủ Nga cũng đã ban hành sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ cho các quốc gia G7 đưa ra giá trần, sắc lệch có hiệu lực trong 5 tháng bắt đầu từ tháng 2/2023.
Tại thị trường trong nước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ 15h ngày 3/1. Giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng từ 15h ngày 3/1/2023 sau biến động tăng lên của giá xăng dầu thế giới và sau khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường mới.
Cụ thể, theo thông báo của các doanh nghiệp xăng dầu, từ 15h ngày 3/1, giá xăng E5 tăng 330 đồng/lít, giá bán là 21.350 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 350 đồng/lít, giá bán 22.150 đồng/lít. Giá dầu diesel giữ nguyên (giá bán là 22.150 đồng/lít). Dầu hỏa tăng 600 đồng/lít, giá bán là 22.760 đồng/lít.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 8/1 như sau: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.352 đồng/lít (tăng 332 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); thấp hơn xăng RON 95-III 802 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.154 đồng/lít (tăng 347 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 22.151 đồng/lít (giữ nguyên so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 22.767 đồng/lít (tăng 601 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 13.740 đồng/kg (tăng 107 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Cũng theo Bộ Công Thương, kỳ điều hành này, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng tăng giá của giá xăng dầu thế giới và thuế bảo về môi trường (theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban thường Vụ Quốc hội, áp dụng từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023) nên để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các loại xăng dầu, trong đó ngừng trích lập với xăng và dầu mazut do giá tăng cao, bên cạnh đó thực hiện chi Quỹ BOG với xăng và dầu mazut để hạn chế mức tăng giá cao so với giá kỳ trước.
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/12/2022-03/01/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; việc Nga có khả năng cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ đối với các quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu,…các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/12/2022 và kỳ điều hành ngày 03/01/2023 là: 89,110 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 5,897 USD/thùng, tương đương tăng 7,08% so với kỳ trước); 92,513 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 5,217 USD/thùng, tương đương tăng 6,04% so với kỳ trước); 114,617 USD/thùng dầu hỏa (tăng 5,640 USD/thùng, tương đương tăng 5,17% so với kỳ trước); 113,466 USD/thùng dầu điêzen (tăng 0,969 USD/thùng, tương đương tăng 0,86% so với kỳ trước); 397,361 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 29,293 USD/tấn, tương đương tăng 7,95% so với kỳ trước).
Đáng lưu ý, tại kỳ điều chỉnh giá hôm 3/1, cơ quan điều hành tiếp tục không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 và RON 95; trích lập quỹ với dầu diesel là 605 đồng/lít, dầu hỏa 200 đồng/lít, dầu mazut 100 đồng/kg.
Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước còn tăng theo giá xăng dầu thế giới và thuế bảo vệ môi trường, áp dụng từ 1/1- hết 31/12/2023) nên liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các loại xăng dầu, trong đó ngừng trích lập với xăng và dầu mazut do giá tăng cao; chi quỹ với xăng và dầu mazut.
Từ ngày 1/1, giá bán lẻ xăng dầu đã được cập nhật mới, với mức tăng khá cao sau khi Quốc hội thông qua thuế bảo vệ môi trường mới với xăng dầu.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 1.045 đồng/lít, giá bán không quá 21.020 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 1.100 đồng/lít, giá bán không cao hơn 21.807 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 550 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.151 đồng/lít.
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, kỳ điều hành giá vẫn theo quy định là ngày 3/1/2023. Nhưng từ 0h ngày 1/1/2023, giá xăng dầu được “điều chỉnh” là theo mức thuế bảo vệ môi trường mới.
"Lưu ý là chỉ cập nhật mức thuế bảo vệ môi trường mới vào giá của kỳ hiện hành", đại diện Bộ Công Thương lưu ý.
Được biết, Bộ Công Thương vừa đưa dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu để lấy ý kiến.
Theo đó, Bộ Công Thương chọn phương án các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.
Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo các phương án:
Phương án 1: Tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp, nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành, như rà soát nội dung quy định về premium trong nước.
Đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí, bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do nhà nước công bố.
Phương án 2: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình, gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.
Chỉ rõ vấn đề này, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó nhà nước chỉ công bố giá định hướng (gồm các yếu tố giá thế giới, thuế, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá), các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.
Lý do lựa chọn phương án này, Bộ Công Thương cho rằng sẽ giúp đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của nhà nước. Đồng thời, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương cũng đề xuất hai phương án thay đổi điều hành giá. Phương án 1: Giữ nguyên thời gian điều hành giá như hiện nay, tức 10 ngày một lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Phương án 2: Rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu xuống 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.