Tuy nhiên, có lẽ vì những người làm kịch bản hơi ôm đồm nhiều nội dung nên cuối cùng chương trình thành dàn trải, thiếu điểm nhấn.
Liên khúc “Hò dân cày – Ăn no đánh thắng – Pì noọng ơi” mở màn của tốp ca các ca sĩ trẻ qua bản phối cố gắng làm mới nhưng thật sự không mấy thành công. Bởi trên cái nền giai điệu gốc không có nhiều kịch tính, cao trào, tiết mục làm mới của các giọng ca trẻ chỉ tạo nên cảm giác đều đều, có phần hơi tẻ.
Sang đến tiết mục thứ 2, ca khúc “Bộ đội về làng” có sự hòa trộn tiếng hát của 2 thế hệ là NSND Thanh Hoa và ca sĩ trẻ Dương Hoàng Yến thì rõ ràng sự “chênh” về cảm xúc, trải nghiệm lại càng bộc lộ rõ. Chắc chắn nhiều khán giả sẽ cảm thấy tiếc, giá như bài hát này chỉ là tiết mục đơn ca của NSND Thanh Hoa thì tinh thần, tình cảm của ca khúc nổi tiếng sẽ được truyền tải tốt hơn.
Phần kết hợp của NSND Thanh Hoa và ca sĩ Hoàng Yến không thành công.
Sự xuất hiện của Hồ Quỳnh Hương với “Lên ngàn” trong chương trình lại càng khiến cho cảm giác về sự “chưa tới”, “nhàn nhạt” dày thêm khi cô hát khá trơn tru, nuột nà nhưng thiếu phần cảm xúc. Không thấy được nỗi đau lặn sâu vào trong để tạo thành sự cứng cỏi như thép của những người phụ nữ ở vào hoàn cảnh: “Anh đi bộ đội chiến trường xa/Con thơ tự lớn, vợ tự già” như trong lời bình luận của GS Văn Như Cương. Một ca khúc hay cuối cùng bị bỏ phí.
Hai điểm sáng trong chương trình thuộc về “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của ca sĩ Tùng Dương với phần xuất hiện của lão họa sĩ Phan Kế An và ca khúc “Hò kéo pháo” được “rock hóa”. Tuy nhiên, những người làm chương trình lại bỏ phí một viên ngọc khác khi để ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” lẫn vào chùm liên khúc mà không giành cho nó một không gian tương xứng.
Điểm đáng tiếc nhất trong chương trình “Giai điệu tự hào” số 4 là phần bình luận của hai hội đồng đã bị biên tập quá mạnh tay khiến cho mạch tranh luận bị cụt, bị hẫng một cách rất khó hiểu.
Thêm vào đó, khán giả trường quay cũng bị kéo vào cuộc một cách hơi thái quá khi họ sắp xếp để tái hiện hình ảnh những anh chiến sĩ Điện Biên xưa, áo trấn thủ, ruột tượng quấn quanh, những khán giả trẻ trong trang phục các dân tộc Tây Bắc… khiến cho cả trường quay trở thành sân khấu khổng lồ, không tạo được những khoảng nghỉ cần thiết.
Giá như chương trình bớt đi những yếu tố “lồng ghép”, đỡ “cương” về tuyên truyền, chọn đúng điểm nhấn và điều tiết được cảm xúc thì có lẽ “Ăn no đánh thắng” đã có một ấn tượng tốt hơn.
Mai An (Mai An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.