Lễ trừ ma
Trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì có một người dân ở thôn Nà Dầu đến mời ông bụt Cao Xoan (thôn Bắc Muồi, xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đến cúng ma cà rồng vì có người nhà bị ốm. Thấy chúng tôi là người lạ nên người đàn ông này tỏ ra rất cảnh giác và không muốn trả lời những câu hỏi của chúng tôi.
Ông Xoan bảo có một bộ phận người dân ở đây rất ngại tiếp xúc với người lạ vì theo tương truyền ma cà rồng rất thích hút máu khách lạ đến bản. Vì thế khách lạ vào nhà nào thì có nguy cơ dụ dẫn ma cà rồng đến theo và làm hại đến gia đình họ. Sau đó, ông Xoan kê cho gia chủ về nhà chuẩn bị 1 con gà luộc, 1 con gà sống, 3 bát gạo, bánh giầy, vàng hương và tiền mặt tùy tâm để làm lễ cúng.
Vừa chuẩn bị quần áo bụt, kinh sách, kiếm phép… ông Xoan vừa kể cho chúng tôi nghe quy trình làm lễ giải ma. Theo đó thì ông sẽ phải một tay cầm kiếm phép hoặc con dao nhọn dài khoảng 25cm, một tay cầm cuốn kinh cổ để vừa múa kiếm vừa niệm kinh đuổi ma. Trong khi ông bụt cúng lễ thì gia đình người có ma nhập phải cử ra một người thông minh, nhanh nhẹn cầm chổi đứng chờ sẵn. Hễ thấy thầy quăng nắm gạo ra thì phải quét 3 nhát chổi. 3 lần quăng gạo là phải quét đủ 9 nhát, nhát quét cuối cùng là phải sạch gạo luôn. Sau đó thầy dùng 3 ngọn cây thanh táo (người Kinh gọi là cây trinh nữ) chấm vào bát nước sạch để vẩy đuổi ma.
Sau khi dùng lá cây thanh táo vẩy nước làm phép dồn được con ma vào con gà sống thì ông bụt cho người nhà mang con gà thả ra ngoài rừng. Sau đó ông bụt hướng dẫn cho người nhà lấy cây cà gai dại về trồng ở ngoài cổng để tránh tà ma. Theo người xưa truyền lại thì cà gai là loại cây mà ma cà rồng rất sợ. Những người hay đi đêm để tránh gặp ma cà rồng thì phải tán nhỏ quả cà gai thành bột gói lại mang theo người hoặc bỏ thêm vào trong đó vài nhánh tỏi...
Đến đây thì ông Cao Xoan đã mặc xong toàn bộ lễ phục để chuẩn bị đi làm lễ cho nhà người có ma. Lúc này nhìn ông không khác gì một người tu hành mà tôi thường thấy trong các phim cổ trang xưa của Trung Quốc. Chiếc áo tế màu đỏ, sọc đen có thêu nhiều chữ Hán và những hoa văn kỳ bí. Thanh kiếm trừ ma của ông cũng đã rất cũ kỹ.
Rất nhiệt tình, ông Xoan còn dắt chúng tôi vào nơi "nhốt" sách của ông. Đó là những cuốn sách cổ bằng giấy dó viết chữ Hán, bọc bìa da dù đã ngả màu vì bụi bặm nhưng không hề mối mọt. Bộ sách tổ tiên truyền lại này ông cất kỹ ở trong một chiếc rương kê ngay ở đầu giường. Ông sợ mất sách nên đã kỳ công ngồi chép lại toàn bộ số sách trên. Khi đi cúng ông chỉ mang theo những bản photo chứ không dám cầm đi sách gốc.
Sự thật trong bóng tối
Rời khỏi những bản người Tày ở vùng núi cao Chiêm Hóa, trên đường trở về thành phố, chúng tôi cứ trăn trở mãi về những câu chuyện hoang đường vẫn hiển hiện trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Truyền kỳ về loài ma này bắt nguồn từ Serbia và đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và khẳng định những người bị coi là ma cà rồng thực ra bị mắc một căn bệnh cực kỳ hy hữu có tên gọi là porphyria - một loại bệnh gen di truyền làm ảnh hưởng đến các sắc tố dưới da.
Vào giai đoạn cuối, khuôn mặt bệnh nhân porphyria bị biến dạng một cách kỳ dị và hãi hùng, tới mức ngay cả chủ nhân của nó cũng không đủ can đảm soi gương. Nước da sạm lại, nướu răng bắt đầu tróc ra từng mảng khiến cho gốc chân răng càng chìa hẳn ra ngoài. Lợi chuyển sang màu đỏ quạch, ri rỉ máu, trông như thể hàm răng vừa cắm ngập vào... cổ ai.
Sợ con cháu sau này không đọc được chữ nho mà bỏ nghề thầy cúng, một mặt ông Xoan vừa dạy con chữ nho, mặt khác ông dành rất nhiều thời gian ngồi phiên âm, dịch nghĩa từng chữ trong các cuốn sách ra để các con về sau dù không giỏi chữ nho vẫn có thể dựa vào đó mà cúng bái.
Thêm nữa, những người này cũng rất sợ tiếp xúc với ánh sáng, bởi sẽ làm da phồng rộp và nhiễm trùng. Do đó họ chỉ dám ra ngoài vào ban đêm. Rối loạn tâm lý phát sinh từ hoàn cảnh tù túng ức chế này. Đây là căn bệnh được coi là bí hiểm nhất mọi thời đại và may mắn là số người mắc không nhiều, trên toàn thế giới mới chỉ ghi nhận được hơn 100 trường hợp.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi thì những người bị coi là ma cà rồng ở các bản người Tày ở một số vùng cao của Việt Nam lại không phải là những người có dấu hiệu của bệnh porphyria. Con ma đó chỉ sống trong những lời đồn đại của người dân thiếu hiểu biết, sống trong những lời phán truyền mê muội của các ông bụt, ông tạo và thậm chí sống trong cả sự đố kị, ganh ghét, nói xấu nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Phước Long - Nguyễn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.