Ma cà rồng vùng sơn cước và hạnh phúc tan vỡ vì hoang tin

Thứ năm, ngày 09/02/2012 13:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bị kích thích trí tò mò bởi những câu chuyện về loài ma cà rồng, chúng tôi đã quyết định tìm tới thôn Bản Cải, xã Ngọc Hội để được mục sở thị những người bị coi là ma nhập...
Bình luận 0

Thuyết phục mãi, bà Nhạc mới dám chỉ cho chúng tôi một gia đình bên xã Ngọc Hội (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bị đồn là có ma cà rồng trong dòng họ.

Sự bất hạnh của dòng họ Hà

Vào thôn, hỏi thăm nhà ông T, người dân ở đây ai cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt rất khó diễn tả, vừa ngạc nhiên, vừa xa lánh lại vừa tò mò, dò xét. Không may cho chúng tôi là cả 2 vợ chồng ông T đều không có nhà, chỉ có người con trai cả của ông. Vậy nên cạn một tuần trà, chúng tôi xin phép ra về thì bất ngờ gặp một người đàn bà tuổi độ ngũ tuần vác trên vai chiếc cuốc trở về nhà với đôi chân bùn đất lấm lem.

Thấy người con trai gọi mẹ và ra đỡ chiếc cuốc trên vai bà, chúng tôi biết bà chính là người bị dân làng đồn thổi là thuộc dòng họ bị ma cà rồng nhập xác. Dừng chân trò chuyện hỏi thăm mùa màng, chúng tôi nhận thấy người đàn bà thân thiện, hiếu khách này chẳng khác gì những người phụ nữ người Tày chân chất, thật thà mà chúng tôi đã từng gặp trước đó.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Quang Vịnh - Chủ tịch MTTQ xã Ngọc Hội, cho biết: "Trước năm 1994 đổ về trước, có nhiều tin đồn về ma cà rồng trên địa bàn xã tôi. Nghe người xưa truyền lại thì dòng họ Hà nhà vợ ông T ở thôn Bản Cải có ma cà rồng.

Điều đáng chú ý là con gái trong dòng họ Hà đều xinh đẹp tuyệt trần và nổi tiếng khắp gần xa về nhan sắc đẹp. Thế nhưng, chỉ vì lời đồn đại tai ác trên mà con gái trong cả họ Hà ở khu vực Xuân Quang đó không lấy được chồng.

Từ thời phong kiến cho đến tận cách đây mấy năm, vẫn không có ai dám lấy những người con gái đẹp đó cả. Những người con gái họ Hà đều phải bỏ đi nơi xa không ai biết đến để lấy chồng và mưu sinh”.

Theo lời ông Vịnh, bà Hà Thị B - vợ ông T và người chị gái Hà Thị T nhan sắc hơn người cũng đều chịu chung số phận. Theo lời mách của các cụ cao niên, bố mẹ bà B gả 2 chị em bà cho 2 người đàn ông đều làm bụt (thầy cúng) trong bản làng. Tương truyền, chỉ có những ông tạo, ông bụt thì mới đủ quyền phép để chế ngự và giải trừ loài ma này trong thân xác những người đàn bà nhan sắc.

Sau khi lấy nhau, vợ chồng ông bụt T sinh được 2 người con gái cũng sắc nước hương trời. Tuy nhiên lời đồn đầy ám ảnh đó vẫn đẩy các cô phải đi lấy chồng xa và chồng các cô đều là những người có tri thức, hiểu biết, đang công tác tại các cơ quan nhà nước.

Đến chuyện ma gà...

Ông Vịnh còn cho biết thêm, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước là cán bộ văn hóa của xã, ông đã đi sâu vào đời sống của bà con dân tộc Tày tại địa phương để tìm hiểu những lời đồn đại về loại ma cà rồng đã gây ra không ít những sóng gió trong cuộc đời của những người con gái đẹp.

Theo những gì ông Vịnh thu thập được thì những người phụ nữ bị cho là ma nhập ban ngày vẫn sinh hoạt bình thường như những người khác, chỉ khi đêm xuống họ mới đi lang thang ngoài bờ sông, bờ suối, nhặt những thứ xú uế để ăn. Ông Vịnh nhớ lại: "Tôi có hỏi thử những người hay đi chơi đêm, họ cho biết thường bắt gặp ma cà rồng đi dọc bờ suối vào buổi đêm, lưỡi thè ra đỏ lòm, tóc rũ rượi phủ ngang lưng. Thế nhưng cứ thấy bóng người là chúng lăn mất".

Từ đó, người dân trong xã Ngọc Hội đồn rằng nguồn gốc của loài ma gà bắt nguồn từ Chợ Đồn (Bắc Kạn). Vì vậy, đàn ông lấy vợ trên đó thì phải cẩn trọng và xem xét kỹ càng. Nếu yêu cô nào mà được một thời gian gà qué trong nhà tự dưng lăn ra chết thì chắc chắn là ma gà. Tinh ý hơn thì vào nhà cô gái, để ý trên bàn thờ tổ, nếu thấy có treo túm lông gà thì đích thị là dòng họ có ma gà.

Theo lời ông Vịnh thì có một sự trùng lặp là cứ mỗi lần những người bị cho là ma cà rồng nhập chuẩn bị đến chơi nhà ai thì đêm trước đó gà, lợn trong nhà người được đến thăm bỗng dưng vài con lăn ra chết.

Những nhà có trẻ sơ sinh bỗng nhiên khóc ngằn ngặt lúc nửa đêm thì y như rằng sáng hôm sau người "ma nhập" gõ cửa vào nhà. Chính những sự trùng lặp này đã làm những hoang tin về loài ma kinh dị này ngày càng loang ra khắp chốn cùng nơi.

Ngoài loài ma cà rồng đáng sợ trên ra, ông Vịnh cho biết người Tày trong xã ông còn sợ hãi loài ma gà cũng được lời tổ tiên truyền lại. Trong xã Ngọc Hội của ông cũng có một người đàn bà quê ở Chợ Đồn (Bắc Kạn) xuống làm dâu ở đây bị cho rằng thuộc dòng họ có ma gà.

Người ta đồn rằng người đàn bà này cứ đến nhà ai thì nhà đó khó nuôi gà hoặc đàn gà đang sống khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra chết cả. Có một vài lần trùng hợp chị này đến nhà người ta chơi và gà nhà đó bỗng lăn ra chết. Mổ con gà chết ra thì thấy gan bị sưng lên. Thế nhưng người dân không tin vào những giải thích khoa học của ngành thú y mà chỉ đổ riệt tội lỗi lên đầu người đàn bà khốn khổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem