Giải quyết thỏa đáng những bất đồng

Thứ bảy, ngày 17/11/2012 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Chỉ có sống cùng dân, gần dân mới thấu hiểu được nỗi khốn cùng của dân chúng, đó là dấu ấn rõ nét nhất về ông Tập Cận Bình - tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc".
Bình luận 0

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy trong cuộc trả lời phỏng vấn của Dân Việt ngày 16.11 đã cho biết như vậy.

Người ta nói: "Trung Quốc bắt đầu một kỷ nguyên mới với dấu ấn mang tên "Tập Cận Bình"". Là một nhà nghiên cứu về Trung Quốc lâu năm, ông có thể phác thảo những dấu ấn đó thưa ông?

img
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Tân hoa xã

- Nói đến Tập Cận Bình phải nói đến lý lịch xuất thân của ông. Tập Cận Bình là con trai của ông Tập Trọng Huân, nguyên là Phó Thủ tướng của Trung Quốc. Mặc dù là cậu ấm, nhưng tuổi ấu thơ của ông Tập Cận Bình không phải sống trong nhung lụa. Năm 1964, khi cha ông bị thất sủng, ông Tập Cận Bình phải về sống và lao động ở vùng nông thôn nghèo khó.

Suốt quãng đời niên thiếu đó, Tập Cận Bình đã phải trải qua bao nhiêu vất vả, gian khổ sau đó mới được đi học và và làm việc ở một địa phương… Lý lịch xuất thân của ông đã nói lên rằng, ông là một con người từng trải, gặp hoạn nạn từ rất sớm và sống một thời gian dài gắn bó, gần gũi với người dân lao động, nên ông thấu hiểu được nỗi khổ của người dân Trung Quốc. Không đi lên từ nhung lụa như nhiều nhà lãnh đạo khác, dấu ấn đầu tiên và rõ nét nhất của Tập Cận Bình là gần dân và thấu hiểu lòng dân.

“Không đi lên từ nhung lụa như nhiều nhà lãnh đạo khác, nên dấu ấn đầu tiên và rõ nét nhất của Tập Cận Bình đó là gần dân và thấu hiểu lòng dân”.

Ông Dương Danh Dy

Nói như vậy, những bình luận của giới chuyên gia cho rằng, "Uy tín chính trị của ông Tập Cận Bình trong sáng như pha lê" là thực chất?

- Đúng vậy. Theo đánh giá của cá nhân tôi, ông Tập Cận Bình là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp tinh anh của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình là người có học thức cao, có bằng Đại học Thanh Hoa, bằng luật. Con đường thăng tiến của ông đi lên từ thấp đến cao, khẳng định tài năng và phẩm chất qua nhiều năm tháng. Ông Tập Cận Bình có nhiều ưu thế; ông Tập Cận Bình đang ở tuổi "tráng niên" đủ sức khỏe, đủ trí tuệ để lãnh đạo đất nước.

Về chính sách đối nội, ông Tập Cận Bình đang có một quyết tâm lớn để đưa Trung Quốc trở hành xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020, theo ông mục tiêu đó có khả thi?

- Mục tiêu trên có thể đạt được, song vấn đề là ai sẽ được hưởng lợi nhiều và ai được hưởng ít? Theo tôi, cái mốc đó cũng sẽ chỉ làm cho người giàu ở Trung Quốc càng giàu thêm, còn người nghèo, công nhân lao động Trung Quốc tuy được cải thiện nhưng sẽ lại rơi vào cảnh khốn cùng. Hay nói cách khác, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc sẽ càng ngày càng nới rộng, khó lấp đầy.

Liệu có mâu thuẫn không thưa ông, khi mà Trung Quốc hướng đến xã hội khá giả toàn diện với tôn chỉ "giàu cùng giàu"?

- Đấy là cái họ hướng đến, còn thực tế sẽ có nhiều bất cập và còn dùng nhiều "mỹ từ". Trung Quốc nhấn mạnh đến một mô hình mới cho tăng trưởng kinh tế, công cuộc phát triển của Trung Quốc cần có tính chất cân bằng, có phối hợp và lâu bền nhiều hơn.

Người dân Trung Quốc có thể chờ đợi điều kỳ diệu gì xảy ra dưới sự dẫn dắt của Ban lãnh đạo mới của Đảng?

- Đó là một cuộc sống ổn định, no đủ, thu nhập được tăng cao. Tôi đã từng đến nhiều vùng miền của Trung Quốc, đời sống nông dân của họ khổ vô cùng. Một cuộc sống no đủ và ổn định là điều họ kỳ vọng nhất ở người lãnh đạo.

Theo ông, những thách thức mà các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đối mặt là gì?

- Thách thức lớn nhất là đang có nhiều sự cạnh tranh trên thế giới với Trung Quốc. Đặc biệt là sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Ngoài ra những thách thức như nạn tham nhũng, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo… cũng là những vấn đề tối quan trọng mà Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc cần phải giải quyết.

Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc sẽ đi một con đường khác của Tập Cận Bình hay vẫn giữ nguyên đường lối mở rộng đối tác, thắt chặt mối quan hệ lâu dài với các nước láng giềng, thưa ông?

- Bất cứ nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc nào lên nắm quyền đều đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Trung Quốc khẳng định, sẽ cải thiện và phát triển quan hệ với các nước phát triển, mở rộng lĩnh vực hợp tác, giải quyết thỏa đáng bất đồng, thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới phát triển lâu dài, ổn định và lành mạnh.

Trung Quốc sẽ kiên trì phương châm thân thiện với láng giềng, củng cố láng giềng hữu nghị. Nhưng như tôi nói, dù là thế hệ lãnh đạo nào thì Trung Quốc cũng đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, có khác chăng là thái độ và tính chất lôi cuốn ở bên ngoài. Ông Tập Cận Bình có thể sẽ mềm mỏng hơn, nhưng lợi ích của Trung Quốc vẫn là số một. Ngoài ra ông Tập Cận Bình là người kín kẽ, chưa thể hiện nhiều, nên chúng ta hãy chờ xem.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem