Tập Cận Bình: Từng 10 lần viết đơn xin vào Đảng

Thứ năm, ngày 15/11/2012 13:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuộc sống nông thôn kéo dài 7 năm giúp Tập rèn luyện tinh thần, chịu đựng được tất cả. Anh muốn lập sự nghiệp, nên liên tục viết đơn xin vào đảng gửi cán bộ xã, đến lá đơn thứ 10 thì được chấp nhận.
Bình luận 0

“Con ông cháu cha”

Ít ai biết được ông Tập từng là một cậu thiếu niên gầy gò, xanh tái và vẻ mặt luôn căng thẳng khi lớn lên ở một vùng bình nguyên tây bắc Trung Quốc thuộc tỉnh Thiểm Tây. Trong 7 năm ấy, cậu làm việc với những nhà nông, sống trong một cái hang đào vào lớp đất sét bên sông Hoàng Hà.

Trong cuốn hồi ký ông Tập viết năm 1998 khi đang làm cán bộ ở một tỉnh duyên hải, ông kể: “Khi đến vùng sông Hoàng Hà lúc 15 tuổi, tôi rất sốt ruột và lúng túng. Khi rời đó ở tuổi 22, mục đích đời tôi đã được xác định rõ ràng và tôi đầy tràn tự tin”.

Khi ông Tập tự khẳng định “luôn là đứa con của vùng đất vàng” trong cuốn sách này, ông không chỉ kể ông là một lãnh đạo gần dân, ngược với những cán bộ tham nhũng và đạo đức giả - khiến CPC đang phải đối diện một cuộc đổi mới chính trị - ông còn ám chỉ việc bố ông từng giữ vai trò trụ cột trong việc lập một tiền đồn ở Diên Anh, “nơi chào đời của tân Trung Hoa”.

Bố ông Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân được kết nạp CPC hồi năm 1928, khi mới 15 tuổi và đang bị tù vì hoạt động chính trị. Ông giúp lập căn cứ cách mạng ở Diên An, nơi sau này là đại bản doanh của CPC trong những ngày Vạn lý trường chinh.

Từ những trải nghiệm đó, Mao Trạch Đông nâng Tập Trọng Huân lên hàng ngũ lãnh đạo cấp cao (hàm phó thủ tướng) dù sau khi đọc một báo cáo của ông hồi năm 1952, Mao nhận xét “ông ta tính nóng như lửa”. 4 chữ Mao dùng “lu huo chun qing” ám chỉ việc Tề thiên đại thánh từng trải qua lò luyện bất tử.

img
Tân tổng bí thư Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua

10 lần viết đơn xin vào Đảng

Tập Cận Bình sinh ngày 1.6.1953 ở Bắc Kinh. 9 năm sau, Tập Trọng Huân bị thất sủng do không đứng về phe của Mao. Năm 1962, gia đình Tập không còn được sống ở Trung Nam Hải, phải dọn đến một nhà kho có diện tích 3 x 4m ở Bắc Kinh.

Năm 1968, Tập Trọng Huân bị tống vào tù trong thời Cách mạng văn hóa. Đó là lý do ông Tập đôi khi nói đùa rằng ông chẳng bao giờ được gọi là “con ông cháu cha”, do bố ông bị cải tạo suốt nhiều năm.

Khi ấy, Tập phải về làng Lương Gia Hà yên bình nhưng nghèo đói ở tỉnh Thiểm Tây, nơi ngày nay ông gọi là “ngôi nhà thứ hai”. Ở đó, Tập phải mặc quần áo của các chị em gái, thậm chí phải bôi đen giày màu hồng của họ để không bị để ý.

Nghị quyết lúc ấy nêu đưa Tập về làng để “cậu ấm” học tập từ nhân dân. Nói chuyện với các báo phương Tây, các cụ cao tuổi ở làng còn nhớ “cậu học trò cao gầy từ thành phố về” năm 1969, chẳng mang gì nhiều ngoài một bao sách lớn. Tập sớm học ăn món bánh ngô hái từ ruộng. Cụ Lu Nengzhong, 80 tuổi, nhớ lại: “Chân cậu ấy khỏe lắm”.

Một bà chủ tiệm tạp hóa ở cuối đường làng còn nhớ “đồng chí Tập từng cùng tham gia sinh hoạt tập thể với thanh niên trong làng, hát những ca khúc cách mạng”. Bà kể: “Ông ấy cũng mặc quần thủng lỗ chỗ như chúng tôi. Ông ấy cao và khá đẹp trai, gầy chứ không mập như bây giờ”.

Cuộc sống nông thôn ở làng Lương Gia Hà kéo dài 7 năm giúp Tập rèn luyện tinh thần, chịu đựng được tất cả những gì cuộc đời có thể ném vào mình. Ông viết: “Béo tốt trong tháng 1, gầy nhom trong tháng 2, sống dở chết dở trong tháng 3 và 4. Kiếm được mài trên đá, còn con người được tôi luyện trong gian khổ”.

Có lẽ do bố mẹ từng sống khó nghèo khi bố còn đương chức nên Tập rèn giũa được tinh thần ấy. Anh muốn lập sự nghiệp, nên liên tục viết đơn xin vào đảng gửi cán bộ xã, đến lá đơn thứ 10 thì được chấp nhận.

Ở tuổi 22 đầy tham vọng, Tập trở lại Bắc Kinh năm 1975, vào Trường đại học Thanh Hoa theo sự tiến cử của cán bộ nông thôn xã. Ở đó, anh học ngành hóa, luật và chủ nghĩa Marx.

Người của công việc

Năm 1978, ông Tập Trọng Huân được phục hồi danh dự, được cử làm lãnh đạo tỉnh Quảng Đông. Nhờ vậy, Tập có được chân thư ký cho tướng Cảnh Biểu trong Quân ủy trung ương, được tiếp cận các tướng lĩnh.

Năm 1981, ông Cảnh lên chức Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng năm 1982, Tập bắt đầu thăng tiến ở các vị trí cán bộ, bắt đầu từ một thị trấn ở tỉnh Hà Bắc, nơi ông nổi tiếng là một chuyên gia nuôi heo.

Tiếp đó, ông chuyển đến tỉnh duyên hải Phúc Kiến, nơi ông lập quan hệ kinh tế với Đài Loan và làm việc ở đó suốt 17 năm. Năm 2007, ông là quyền Bí thư Thành ủy Thượng Hải trong 7 tháng khi vị tiền nhiệm Trần Lương Vũ dính vào một vụ tham nhũng tai tiếng. Làm việc ở Thượng Hải có nghĩa là ông Tập theo “phe Thượng Hải” của cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân.

Tập vẫn giữ liên lạc với người bạn thân Lu Housheng (con cụ Lu) ở làng Lương Gia Hà. Lu tự hào khoe các tấm ảnh ố vàng, nói: “Bạn tôi luôn giúp đỡ người khác, thân thiện nhưng cũng rất cô đơn. Cậu ấy sẵn sàng thức suốt đêm để đọc sách của Marx và Mao dưới ánh nến. Vì hồi nhỏ, chúng tôi chẳng có sách nào khác để đọc. Cậu ấy là người không bao giờ bỏ cuộc”.

Ông Tập được ghi nhận là người cẩn trọng, tránh xúc phạm những nhân vật quan trọng và không bao giờ tỏ ra nổi bật, luôn chu toàn nhiệm vụ, không để xảy ra sai phạm nào. Ông luôn sống bình dị, ăn mặc đơn giản.

Ông Tập đang sống với vợ Bành Lệ Viên, một ca sĩ với hàm thiếu tướng trong đoàn văn công PLA. Bà Bành thường trình diễn các ca khúc yêu nước.

Bà không thẹn khi kể: “Lần đầu gặp ông ấy, tim tôi đập rộn ràng, lập tức cảm thấy đó là người chồng lý tưởng. Ông ấy là người có lý tưởng và trong sạch”. Bà còn kể trong lần hẹn hò thứ hai, ông báo trước cho bà biết rằng ông là người của công việc, sẽ không có nhiều thời gian cho gia đình.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem