Giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP còn 6%

Thứ bảy, ngày 04/06/2011 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Như vậy, các chỉ số vĩ mô mà Chính phủ thống nhất tại phiên họp thường kỳ tháng 5.2011 đã thay đổi đáng kể so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Bình luận 0

Theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, lạm phát năm nay cần được kiểm soát ở mức 7% trong khi tăng trưởng kinh tế phải đạt 7-7,5%. Còn tại Hội nghị Thường niên ADB đầu tháng 5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết Việt Nam cố gắng giữ lạm phát 11,75% và tăng trưởng 6,5%.

img
Thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo nhiều việc làm là một trong 8 nhóm giải pháp ưu tiên thời gian tới.

Nhiều kết quả tích cực

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình phát triển KT - XH 5 tháng đầu năm đã có những kết quả tích cực. Bội chi NSNN được đảm bảo dưới 5%, CPI đang có chiều hướng giảm mạnh đà tăng, nhiều mặt hàng đang giảm giá; kim ngạch xuất khẩu tăng ấn tượng tới 32,8% với lượng hàng hóa XK tăng lên đáng kể (hơn 22%). Công tác an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo...

Những tồn tại mà Chính phủ đã chỉ ra là chỉ số lạm phát có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao; nhập siêu còn lớn; cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo đời sống người nghèo, người thu nhập thấp, lao động phổ thông và các khu vực khó khăn.

8 nhóm giải pháp ưu tiên

Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Chính phủ tán thành với Hội đồng Tài chính tiền tệ quốc gia về mục tiêu phát triển KT- XH của năm 2011, trong đó phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6%, kiềm chế tăng chỉ số CPI ở mức khoảng 15%, giảm bội chi NSNN dưới 5%, nhập siêu không quá 16% kim ngạch XK, tiết kiệm chi 10%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng cần "bám chặt", coi đây là mục tiêu bao trùm để tập trung chỉ đạo, điều hành từ nay đến cuối năm. Thủ tướng quán triệt các bộ, ngành và địa phương tập trung vào 8 nhóm giải pháp ưu tiên.

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ưu tiên cho sản xuất. Chú ý kiểm soát nợ xấu ngân hàng, nhất là nợ xấu liên quan tới bất động sản. Điều hành lãi suất theo mục tiêu kiềm chế CPI dưới 15%. Tiếp tục kiểm soát chặt và quản lý được tỷ giá ngoại tệ và vàng.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, ngăn chặn đầu cơ. Thứ ba, điều hành các chính sách thu, chi NSNN theo hướng giảm bội chi, tiết kiệm chi thường xuyên. Thứ tư, thực hiện kiểm soát, hạn chế nhập siêu, có các chính sách hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.

Thứ năm, tiếp tục cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công, tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp bách. Thứ sáu, quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xem xét tiếp tục cải cách tiền lương, các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, sinh viên.

Thứ bảy, tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng. Thứ tám, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận ở mọi cấp, mọi ngành nỗ lực vượt khó khăn, đạt mục tiêu đã đề ra, thông tin đầy đủ những vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.

Sắp trình đề án thành lập kiểm ngư

img Vụ việc Vinashin đã được kiểm tra và kiểm điểm làm rõ đến từng đồng chí bộ trưởng về trách nhiệm liên quan. Việc trả nợ của Vinashin phải theo nguyên tắc có vay có trả, tuy nhiên trả vào thời điểm nào thì Vinashin và các cơ quan chức năng sẽ xem xét để có lộ trình phù hợp. img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc

Tại cuộc họp báo chiều 2.6 của Văn phòng Chính phủ, liên quan đến đề án xây dựng lực lượng kiểm ngư, tăng cường lực lượng kiểm ngư trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: Các cơ quan liên quan sẽ phối hợp để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đề án tăng cường lực lượng kiểm ngư. Bộ đang tiếp tục hỗ trợ cho bà con khai thác ở vùng biển Trường Sa như việc mua xăng dầu, nước ngọt, sửa chữa tàu thuyền. Nếu ốm đau sẽ được hỗ trợ chi phí...

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) có tiếp tục khai thác, thăm dò dầu khí ở khu vực vừa xảy ra vụ tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế trên biển của mình và PVN vẫn sẽ tiếp tục khai thác, thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam phù hợp với Luật Biển. “Sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục có những phản ứng cương quyết hơn” - ông Phúc nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem