Giảm đơn hàng ở Mỹ, thủy sản Việt Nam tìm "cửa sáng" ở Trung Quốc, Anh

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 13/03/2023 06:01 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam là Mỹ đang giảm đơn hàng, việc tìm những điểm đến mới đầy lạc quan, “sáng cửa” đang là hướng đi nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản đang tìm đến.
Bình luận 0

Động lực từ Trung Quốc

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 128.000 tấn, trị giá 550 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 235.300 tấn, trị giá 1,007 tỷ USD, giảm 26% về lượng và giảm 32,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao và hàng tồn kho của nhà bán lẻ tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, vẫn có nhiều cơ hội cho ngành thủy sản. Nhìn chung, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. 

Theo đó, lợi thế nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải, phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.

Thủy sản Việt Nam tìm thêm những điểm đến “sáng cửa” - Ảnh 1.

Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau). Ảnh: Vũ Sinh

Thủy sản Việt Nam tìm thêm những điểm đến “sáng cửa” - Ảnh 2.

"Ngoài ra, Trung Quốc có thể là động lực cho sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ thủy sản, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, mà còn là nhu cầu của các thị trường khác trên thế giới, khi du lịch và giao thương được thông suốt" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Đối với thị trường Mỹ, theo thống kê, năm 2022, nhập khẩu thủy sản của Mỹ đạt 3,36 triệu tấn, trị giá 30,4 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 7% về trị giá so với năm 2021. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Mỹ đã giảm trong các tháng cuối năm 2022 do lạm phát kỷ lục khiến tiêu dùng giảm, tồn kho cao. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ít nhất trong quý I/2023.

Năm 2022, tôm tiếp tục là mặt hàng thủy sản được nhập khẩu nhiều nhất của Mỹ, đạt 841.600 tấn, trị giá 7,8 tỷ USD, giảm 6% về lượng và giảm 2% trị giá so với năm 2021. Tuy nhiên, tháng 12/2022 đánh dấu tháng thứ 13 liên tiếp nhập khẩu tôm của Mỹ giảm.

Trong khi đó, nhập khẩu cá da trơn năm 2022 của Mỹ tăng mạnh, đạt 138.466 tấn, trị giá 589,8 triệu USD, tăng 18,6% về lượng và tăng 68,22% về trị giá so với năm 2021. Mỹ nhập khẩu cá da trơn chủ yếu từ Việt Nam với mặt hàng cá tra.

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Mỹ trong năm 2022, đạt 306.422 tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, tăng 8,6% về lượng và tăng 19,1% về trị giá so với năm 2021. Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 8,5% về lượng và 6,6% về trị giá trong năm 2021 lên 9,1% về lượng và 7,3% về trị giá trong năm 2022.

Thị trường Anh  - điểm đến của cá tra năm 2023

Thủy sản Việt Nam tìm thêm những điểm đến “sáng cửa” - Ảnh 3.

Thu hoạch cá tra tại một hộ dân ở quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 2 tháng đầu năm 2023, Anh nằm trong số rất ít ỏi các thị trường có tăng trưởng dương nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Trong khi xuất khẩu sang top 10 thị trường lớn nhất đều giảm từ 18 – 50% so với cùng kỳ, riêng Anh – thị trường lớn thứ 6, vẫn giữ được tăng 22%.

Tính tới giữa tháng 2/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt gần 7 triệu USD, chiếm 4,5% giá trị xuất khẩu đi các thị trường. Riêng nửa đầu tháng 2, xuất khẩu cá tra sang Anh tăng đột phá với mức 142% so với cùng kỳ.

Bà Lê Hằng nhận định, Anh là nước có tỷ lệ lạm phát thuộc top cao nhất trong các nền kinh tế lớn. Đến tháng 1/2023, tỷ lệ lạm phát ở nước này vẫn là 10,1%, cao gấp 5 lần so với mục tiêu Ngân hàng Anh đặt ra. Lạm phát làm thay đổi xu hướng tiêu thụ thủy sản của Anh. Thay vì tiêu thụ nhiều thủy sản tươi/ướp lạnh, ngày nay người Anh gia tăng tiêu thụ thủy sản đông lạnh.

Ở Anh, những người trong độ tuổi từ 50 - 75 tiêu thụ cá nhiều nhất, chi tới 4 bảng Anh mỗi tuần cho các sản phẩm cá. Trong khi đó, những người dưới 30 tuổi chi tiêu trung bình chỉ 1,9 bảng Anh mỗi tuần để mua cá.

Riêng cá thịt trắng là sản phẩm được ưa chuộng đặc biệt tại Anh, mỗi năm, nhập khẩu cá thịt trắng vào thị trường này đạt từ 800 triệu - 1 tỷ USD. Năm 2022, nhập khẩu cá thịt trắng vào thị trường Anh giảm gần 8%, trong đó giảm mạnh nhất là cá minh thái - giảm 43%, cá tuyết giảm 13%.

Trong năm qua, cá tra của Việt Nam chiếm 5% tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Anh. Tỷ trọng này có thể sẽ cao hơn trong năm 2023, khi mà kinh tế Anh vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát, chiến sự Nga - Ukraine vẫn làm cho nguồn cung cá tuyết và cá minh thái vào thị trường này bị hạn chế.

"Lợi thế từ thuế quan ưu đãi theo hiệp định thương mại tự do UKVFTA cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nên tận dụng, nhất là bối cảnh các nhà nhập khẩu muốn tìm kiếm các nguồn hàng có giá cạnh tranh phục vụ cho thị trường nội địa của họ.Do vậy, cùng với Trung Quốc, Anh cũng là một điểm đến lạc quan cho các doanh nghiệp cá tra trong năm 2023" - bà Lê Hằng nhận định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem