|
Lũ không về, các cánh đồng đầy lúa chét là nơi sinh sôi của chuột và sâu bệnh. |
Bài toán mang tính quốc tế
“Những năm qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nạn phá rừng tràn lan kéo dài từ Trung Quốc đến Việt Nam, và việc nhiều quốc gia ở lưu vực sông Mekong ngăn đập trữ nước xây dựng thủy điện đã làm sự biến đổi mùa nước càng rõ rệt, khiến vùng ĐBSCL bị “lệch” mùa. ĐBSCL rơi vào thế khi cần thì không có nước, lúc có lại không cần - gần như là thiên tai. Theo Ủy ban Quốc tế sông Mekong, có 17 triệu người ở ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng khi sông Mekong thiếu nước.
Thiếu phù sa, thiếu nước, hạn mặn xâm nhập, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng là chuyện đang diễn ra trước mắt. Để giải quyết triệt để vấn đề này phải có những giải pháp ở tầm quốc tế vì có quá nhiều nước “sở hữu” dòng Mekong - và đây sẽ là bài toán khó. Chỉ còn cách tự mình phải lo cho mình. T
heo tôi thấy, cần có nghiên cứu thật kỹ lưỡng để thay đổi cơ cấu giống và mùa vụ, mỗi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau phải có cây trồng vật nuôi khác nhau. Ở những nơi không thể canh tác, bị úng phèn cần thiết phải bỏ hẳn, không canh tác mà tạo thành hồ trữ nước ngọt…”.
(Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)
Nguy cơ xâm nhập mặn cao
“Năm nay mực nước lũ thấp bất thường - gần như không có lũ. Một số huyện vùng Đồng Tháp Mười của Long An lũ chưa về trong khi ở đầu nguồn Tân Châu lũ đã bắt đầu rút. Ngành nông nghiệp dự đoán với mức nước này năm nay, khả năng xâm nhập mặn sẽ vào rất sâu nội đồng. Cuối vụ không chỉ lúa mà cả hoa màu cũng sẽ thiếu nước tưới gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
UBND tỉnh Long An và ngành nông nghiệp đã có nhiều cuộc họp để chỉ đạo sản xuất, giải quyết các khó khăn trong sản xuất do thiếu nước và những khó khăn "hậu" lũ thấp. Đối với từng vùng tùy điều kiện thực tế mà có những phương án cụ thể. Trước mắt, chúng tôi sử dụng cơ cấu giống phù hợp, ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày để phần nào "né" hạn, mặn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất hết sức quyết liệt để có những biện pháp đối phó chủ động, giảm thiểu tối đa thiệt hại do việc thiếu nước, nhiễm mặn mang lại. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp tình thế. Trước mắt, mùa thiếu lũ này chúng tôi vẫn chưa xác định là thiên tai nhưng nếu tình trạng này kéo dài trong những năm tiếp theo, chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ phải có những chiến lược dài hơi để đối phó…”.
(Ông Liêu Trung Ngươn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An)
Không lũ là thiên tai lớn
Thực tế, lũ tại ĐBSCL không hề đáng sợ. Nhất là từ khi nhà nước đã đầu tư rất nhiều cho vùng lũ để người dân “sống chung với lũ”. Hệ thống đê bao, cụm, tuyến dân cư vượt lũ vươn cao để con người sống ung dung qua mùa lũ, thậm chí, khai thác nguồn lợi thủy sản trong mùa lũ để tạo thu nhập chính ngoài lúa. Lũ về giúp người dân tiêu diệt chuột, cỏ, sâu, rầy và đẩy phèn ra biển.
Hàng năm lũ bù đắp cho ĐBSCL hàng trăm triệu tấn phù sa làm cho giải đất ven sông Tiền sông Hậu thêm màu mỡ; cải tạo môi trường nước và đất. Những năm 1995, 1998, khi mực nước lũ quá thấp đã gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn. Mấy năm gần đây, khi mực nước lũ cứ thấp dần - cao trào như năm nay gần như không có lũ thì thiệt hại đối với sản xuất chắc chắn sẽ rất lớn.
Nếu không có lũ, phải tính nhanh, làm gấp việc cung cấp nước tưới cho vùng lúa. Ngành nông nghiệp phải tính đến chuyện nạo vét kênh thủy lợi, đào thêm kênh mới để giải quyết chuyện nước tưới và bài toán đẩy phèn. Nếu cần thiết, phải xem xét lại hiệu quả của một số cống đập ngăn mặn ven biển đang bộc lộ khiếm khuyết. Trước mắt cần phải cải tạo bằng cách mở rộng cửa xả. Con người có thể cải tạo tự nhiên nhưng không được duy ý chí… Chấp nhận sai và mạnh dạn sửa chữa”.
(Ông Trần Ngọc Nhóm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường (trước 1975), Phó Chủ tịch Tỉnh Long An, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo khai thác vùng Đồng Tháp Mười).
Nam Hải - Hữu Danh (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.