|
Những loài hoa này đã giúp nhà nông chống lại sâu bệnh mà không cần dùng thuốc hoá học. |
Giảm sâu hại, tiết kiệm tiền mua thuốc rầy
Ở đây, bà con nông dân đang áp dụng công nghệ sinh thái để quản lý dịch hại theo hướng bền vững, không thua gì các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là vụ thứ hai nông dân ấp Vĩnh Phước chính thức thực hiện mô hình trồng hoa trên ruộng, với mục đích chính là tạo và duy trì sự đa dạng về cây trồng, thu hút những sinh vật có ích trong đồng ruộng, hình thành 1 hệ sinh thái cân bằng ở mức cao. Qua đó, giúp giảm thiểu rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các loại côn trùng gây hại khác.
Nông dân Bùi Văn Hiền nhận xét: “Tui có 4ha trồng lúa, mùa hè năm rồi xuất hiện nhiều dịch hại buộc phải phun xịt thuốc nhiều lần. Tuy nhiên, năm nay có trồng hoa thì khác hẳn, nhất là hoa mè thu hút nhiều ong ký sinh, nên chẳng cần sử dụng thuốc trừ rầy. Năm tới, mấy anh em chúng tôi cũng sẽ tiếp tục trồng, giúp giảm áp lực sâu bệnh trước thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay”.
Anh Nguyễn Văn Nhiên, một nông dân khác cho rằng, năm nay nhờ trồng hoa trâm ổi nên không có chuột cắn phá như mọi năm trước, còn những thửa ruộng dưới kia không trồng hoa nên vẫn bị chuột cắn. Tính đến nay, lúa đã gần thu hoạch mà nông dân không phải sử dụng thuốc trừ rầy, riêng sâu cuốn lá có chút đỉnh nên chỉ xịt 1 lần (những năm trước phải 4-5 lần).
Anh Nhiên cho biết thêm, hồi trước thấy cán bộ kỹ thuật trồng hoa, anh chỉ nghĩ đơn giản trồng cho đẹp! Sau này, khi hoa nở thu hút ngày càng nhiều thiên địch của sâu rầy thì anh mới hiểu tác dụng của mô hình này.
Đề tài khoa học nhiều triển vọng
Thạc sĩ Nguyễn Hữu An - Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang cho hay, mô hình trồng cây có hoa để thu hút thiên địch phòng trừ rầy nâu hại lúa là đề tài khoa học đang được hai cán bộ kỹ thuật Đặng Thanh Phong và Nguyễn Thanh Phong, hiện đang công tác tại Chi cục triển khai thí nghiệm thực tế trên đồng ruộng ấp Vĩnh Phước, với tổng diện tích 30ha. Hoa được trồng chủ yếu gồm 5 loại: Trâm ổi, sao nhái, cúc mặt trời, mè và hướng dương. Đây đều là những loài hoa dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và cho nhiều bông.
Theo các nhà khoa học, những cây có hoa thường có mật hoa và phấn hoa. Rất nhiều loài côn trùng thích ăn hai phần này vì có nhiều chất đường, protêin... Đặc biệt, cây có hoa trắng và hoa vàng có nhiều phấn sẽ càng thu hút nhiều thiên địch, chúng đến hút mật, đẻ trứng và tấn công các loài sâu hại.
Qua theo dõi hai vụ đông xuân và hè thu năm 2010 cho thấy, mô hình này mang lại hiệu quả rất lớn. Khi hoa nở, dẫn dụ thiên địch thì tất cả những loại thiên địch này đều ăn mồi và bắt mồi như: Rầy nâu, sâu cuốn lá và kể cả con nhện gié. Từ giai đoạn gieo lúa, đến lúa làm đòng, rồi lúa trổ... trên ruộng đã xuất hiện rất nhiều thiên địch so với ruộng đối chứng.
Đặc biệt, nhện rất hữu ích cho nông dân vì chúng bắt sâu cuốn lá, rầy và nhiều các loài sâu hại khác; con bọ rùa tấn công các loài sâu hại ngoài đồng; dưới mặt đất có bọ xít màu xanh... Khi hoa đang phát triển, mật độ rầy rất ít, sâu cuốn lá cũng rất hạn chế nên bà con không phải sử dụng thuốc BVTV. Đây là một vấn đề quan trọng trong sử dụng công nghệ sinh thái và điều đáng quan tâm là phương pháp này rất đơn giản, hữu hiệu, nông dân ai cũng có thể làm được.
Ông An cho biết, tới đây, Chi cục BVTV tỉnh sẽ phối hợp cùng các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các điểm trồng hoa trên ruộng để cho bà con thấy và làm theo.
Hồng Trang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.