Gian nan hậu cai nghiện

Thứ năm, ngày 25/08/2011 15:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 80% người cai nghiện tái nghiện và quay trở lại các Trung tâm cai nghiện trong một thời gian ngắn. Vòng luẩn quẩn này khiến cho công tác cai nghiện có phần bế tắc. Thực trạng này đang diễn ra ở Hải Phòng.
Bình luận 0

Những con số buồn nản

Chia sẻ với chúng tôi về con đường gian nan giúp người nghiện trở về con đường sáng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng), ông Nguyễn Đình Hoa trầm ngâm: Trung tâm hiện có hơn tám trăm học viên, trong đó, quá nửa là người bị mắc HIV. Có những thời điểm, cán bộ trung tâm phải coi tất cả đều mắc HIV vì số lượng đông quá, không kiểm soát nổi.

img
Học viên cai nghiện tại Trung tâm 2, Tiên Lãng.

Vì bệnh tật, nghiện ngập, có tới 40-50% học viên bị gia đình ruồng bỏ, “sống chết mặc bay”. Cai nghiện xong, không có chốn đi về, nhiều học viên xin ở lại luôn tại trung tâm nhưng trung tâm không thể chấp nhận vì người ra rồi người vào cũng đông không kém. Trong khi đó chế độ chính sách cho đối tượng cai nghiện thì vô cùng eo hẹp.

Được biết, đúng theo chế độ thì mỗi học viên được hưởng tiền ăn từ 240-290 nghìn đồng/tháng. Như vậy mỗi ngày, một học viên được ăn 7 lạng gạo và hai nghìn đồng tiền thức ăn, chưa bằng một cốc trà đá. Ngoài ra thêm 100 nghìn đồng tiền sinh hoạt phí cho việc cạo râu, khăn chậu rửa mặt, giặt quần áo… cùng tiền thuốc cai nghiện dành cho hai năm chỉ vẻn vẹn 400 ngàn đồng. Vì vậy, trung tâm phải huy động tất cả đi tăng gia sản xuất. Chỉ xuống ao cá, ông Hoa nói: “Một ngày trung tâm phải kho đến 1 tạ cá mới đủ ăn. Nếu không tăng gia, tất cả đều đói”.

Lo việc làm để không tái nghiện

Khi đề cập đến tỷ lệ tái nghiện, ông Nguyễn Đình Hoa thoáng buồn, hiện nay hơn 80% người cai nghiện tái nghiện, quay lại trung tâm trong thời gian rất ngắn. Có trường hợp dăm ba lần quay lại trung tâm. Nguyên nhân là học viên không thắng nổi cám dỗ, không việc làm, bị kỳ thị…

Theo ông Nguyễn Đức Phan - chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội 98,27% số người nghiện không có nghề nghiệp hoặc nghề không ổn định. Sau khi cai nghiện, những học viên tại các trung tâm được học nghề và tạo việc làm tại chỗ như trồng nấm, mài đá mỹ nghệ, chăn nuôi gia cầm, trồng rau nuôi cá… Nhưng đó là những việc khó tìm việc làm sau khi cai nghiện.

Xác định tạo việc làm cho họ là cứu cánh để hoàn lương, Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động số 1- ông Nguyễn Quang Toàn cho biết, trung tâm đang xúc tiến thành lập bộ phận hướng nghiệp và đào tạo học viên nắm vững một số nghề chuyên sâu và liên hệ với một số trường dạy nghề để tổ chức dạy nghề, chuyển từ “lao động trị liệu” sang “giáo dục lao động phù hợp và hiệu quả”. Một số học viên sau khi cai nghiện không muốn về gia đình thì được tạo việc làm ngay tại trung tâm. Trung tâm đã xây dựng một dãy nhà cho các học viên này ở và khoán việc trả lương như những người bình thường bên ngoài.

Hải Phòng là một trong những thành phố có tỷ lệ người nghiện cao vào hàng đầu cả nước với 5.416 người mắc nghiện và 2.723 người nghi nghiện, tập trung ở độ tuổi lao động sung sức nhất từ 18 đến 45 tuổi

Còn ngành công an Hải Phòng cũng nỗ lực giúp đỡ người cai nghiện bằng cách xây dựng đề án “Giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện”. Nhờ đề án này, vừa qua 3 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đã tiếp nhận 15 lao động ở Trung tâm 1 về làm việc với mức lương 3-3,5 triệu đồng/tháng. Anh Ng.T. M, người may mắn có việc làm sau khi ra khỏi trung tâm chia sẻ: “Thực sự đây là động lực vô cùng quý giá cho những người như chúng tôi trở về cuộc sống đời thường…”.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, đó mới là những hoạt động rất nhỏ hỗ trợ người nghiện. Định kiến xã hội khiến cho các doanh nghiệp không mấy mặn mà tiếp nhận người từng mắc nghiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem