Kỳ Thượng là một xã miền núi xa xôi hẻo lánh, nhưng có truyền thống hiếu học. Dù còn khó khăn, người dân Kỳ Thượng vẫn gắng gượng nuôi con ăn học. Vùng đất bên kia sông có 225 em học sinh các cấp. Để đến trường, các em phải dậy từ sáng sớm để bố, mẹ dẫn qua đò. Những lúc nước cạn hoặc không có đò, nhiều bậc phụ huynh phải liều mình cõng con bơi qua sông.
|
Học sinh xã Kỳ Thượng đi học trên con đò nhỏ tròng trành. |
Anh Nguyễn Văn Hùng - một phụ huynh bày tỏ: "Khổ lắm các chú ạ, đưa con đi học mà lòng chẳng an. Biết rằng nguy hiểm nhưng đành chịu, chẳng lẽ để con thất học rồi lại quẩn quanh cái kiếp nghèo như bố mẹ chúng".
Anh Nguyễn Đình Chiến - một lái đò lâu năm ở khúc sông này, gọi việc mình làm là "nghề nguy hiểm": "Sợ nhất là chở các em học sinh qua sông. Các em còn nhỏ, chưa rành sông nước, tâm lý yếu nên khi đò tròng trành là cứ ríu vào nhau càng thêm nguy hiểm. Làm nghề lái đò nhưng tôi cũng như bao người dân, luôn mong ngóng một cây cầu bắc qua sông".
Đò giang cách trở nên nhiều học sinh xã Kỳ Thượng đã bỏ học. Gần đây, UBND xã có giải pháp mở một lớp mẫu giáo và dùng hội quán xóm cho 46 em học sinh lớp 1 và 2 học. Nhờ đó, số học sinh bỏ học giảm dần. Tuy nhiên, đường đến trường của các em lớn tuổi hơn thì còn lắm gian nan.
Ông Nguyễn Trung Tính - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết: Phía bên kia sông có 188 hộ dân của xóm Bắc Tiến, 105 hộ dân xóm Phúc Thành và 28 hộ dân xóm Tân Tiến sinh sống. Từ xưa đến nay, để sang sông họ đều phải lội bộ hoặc đi đò. Mà con sông này ngày một rộng và sâu hơn do biến đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấy năm qua, đã có nhiều người tử nạn tại khúc sông này. Chỉ riêng 2 năm 2008 và 2009 có 5 em học sinh các cấp bị chết đuối - cái giá quá đắt cho hành trình tìm chữ của trẻ em vùng quê nghèo khó. Được biết, sau nhiều lần kiến nghị, nhiều ý kiến cử tri, đã có một số đoàn về khảo sát, cắm mốc, lập hồ sơ, nhưng không hiểu sao đến bây giờ cầu vẫn nằm trên giấy.
Tấn Phát
Vui lòng nhập nội dung bình luận.