Gian nan y tế vùng cao

Kiều Thiện Thứ năm, ngày 29/09/2016 08:00 AM (GMT+7)
“Với vùng cao, vùng sâu, cuộc chiến chống lại dịch bệnh không hề đơn giản chỉ là khoa học thuần túy mà còn là cuộc chiến giữa tư tưởng lạc hậu và sự tiến bộ” – bác sỹ Lường Văn Lịch, giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, bảo vậy.
Bình luận 0

Thấy thuốc phải giành bệnh nhân với thầy cúng

Không có cái dáng vẻ phương phi, béo tốt, bệ vệ của một giám đốc Trung Tâm y tế; nét mặt và dáng người của anh Lịch có những nét khắc khổ. Lý giải cái hình dáng bên ngoài của mình, anh Lịch cười và bảo: Nó là dấu ấn của thầy thuốc vùng cao đấy.

img

Các bác sỹ trung tâm y tế dự phòng huyện Phù Yên (Sơn La) đang thực hiện tư vấn thai nhi cho sản phụ người dân tộc Dao tại xã Tân Lang, huyện Phù Yên

Chuyện tưởng đùa, hóa ra chuyện thật. Anh Lịch đã có mấy chục năm gắn bó với nghề y ở mảnh đất xa xôi và gian khó này. Huyện Phù Yên vốn là vùng đất đa dân tộc. Cách xa trung tâm tỉnh tới 150km; trong đó có những bản vùng cao, vùng sâu cách trung tâm huyện cả ngày đường đi bộ. Vì thế, trình độ dân trí của bà con nơi đây có những hạn chế nhất định; trong đó có những hạn chế về cách nhìn nhận đối với y tế công lập. Anh Lịch kể: Ngay từ khi mới ra trường tôi đã gắn bó với vùng cao, với đồng bào các dân tộc. Nghề y bây giờ thì đỡ vất vả hơn nếu không muốn nói là có nhiều thuận lợi. Nhưng những năm trước đây, muốn làm một cán bộ y tế tốt thì trước hết thầy thuốc phải là thuyết khách giỏi. Nếu không thuyết khách giỏi thì sẽ không có bệnh nhân mà chữa trị.

Thì ra, với vùng thấp, vùng đô thị, dân trí phát triển, trong nhiều năm qua thầy thuốc là một nghề được người ta tin dùng, trọng vọng, nhất nhất nghe theo. Nhưng ở vùng cao, trong tín ngưỡng dân gian, mọi thứ đều do ma, do thánh thần hay quỷ sứ tạo dựng nên. Bởi thế, mỗi khi ốm đau thì việc trước tiên là người nhà đi tìm thầy cúng. Khi thầy đã vào cúng ma, chủ nhà bẻ cành cây xanh cắm trước cửa, thế là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thầy thuốc có đến thăm bệnh cũng chẳng được vào.

Y tế công lập ở vùng cao những năm trước đây, dụng cụ hành nghề và thuốc thang hạn chế đã đành, cơ sở y tế lại ở xa dân, giao thông không thuận lợi, biên chế cán bộ hạn chế, điện thoại lại chưa có… bởi vậy, việc thầy thuốc tìm được đến với người dân khi ốm đau đã khó, việc tiếp cận và vận động người dân đồng tình cho khám và diều trị bệnh còn khó hơn nhiều.

“Khi y tế vào cuộc chẳng khác nào mình đang tay ngăn chặn nguồn thu của các thầy cúng, thầy mo. Chính bởi thế nên các thầy cúng, thầy mo cũng tìm nhiều cách hù dọa người bệnh để ngăn cản thầy thuốc. Không ít những cái chết oan uổng đã đến với người bệnh trong hoàn cảnh ấy. Đội ngũ y tế chúng tôi lắm khi phải “3 cùng” với người dân để làm công tác tư tưởng; phải tranh thủ sự đồng tình của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ để giành giật và cứu sống bệnh nhân” – bác sỹ Lịch kể như vậy.

img

Việc thăm, khám bệnh cho bà con các dân tộc xã Mường Lang, huyện Phù Yên (Sơn la) vẫn được các y bác sỹ Trung tâm y tế dự phòng huyện Phù Yên thực hiện nhiệt tình, nhằm phát hiện sớm tình trạng sức khỏe và có cách điều trị kịp thời.   

Thắng về tư tưởng mới thắng được bệnh tật

Đảm nhiệm siêu âm kiểm tra sức khỏe thai nhi và bà mẹ mang thai trong nhiều đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn huyện Phù Yên, bác sỹ Lù Văn Lượng, cán bộ Trung tâm y tế dự phòng huyện Phù Yên, tâm sự: Làm y tế dự phòng ở vùng cao là gắn với những chiến dịch dập dịch hoặc triển khai những cái mới, cái khó. Bởi thế, cán bộ y tế dự phòng ở những vùng sâu, địa bàn lẻ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn gặp những bất ngờ cũng như những thách thức y đức, tay nghề. Mình hành nghề là đang làm một việc tốt nhưng có khi người nhà bệnh nhân hoặc chính bệnh nhân lại không nghĩ như vậy. Cũng bởi những suy nghĩ còn hạn chế ấy, có những bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân còn giấu bệnh, giấu người bệnh để chờ thầy cúng, thày mo đuổi ma giúp. Những khi ấy, thầy thuốc phải thuyết phục đến vã mồ hôi mới có thể khám và đưa thuốc vào trị bệnh cho bệnh nhân

Đặc biệt, trong việc bảo vệ sức khỏe thai nhi cũng như người mẹ mang thai, với bà con một số dân tộc thì chuyện “cái khoản kia” của chị em là không thể cho người ngoài thăm, khám, nhìn thấy hoặc tiếp cận gần.

“Cũng bởi cái suy nghĩ hạn chế của một số chị em phụ nữ như vậy nên trong đợt thăm khám, kiểm tra sức khỏe thai nhi ở xã Tân Lang tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã phát hiện ra một phụ nữ có thai cóc đã tới 7 tháng tuổi. Ở độ tuổi thai nhi ấy thì không thể nạo mà phải chấp nhận đẻ có vắt, vừa gây nên sự đau lòng, vừa ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần không tốt cho cả bệnh nhân và người nhà” – bác sỹ Lượng kể như vậy.

Qua tìm hiểu mới biết bệnh nhân mang thai cóc kia tuy đã 7 tháng, là đối tượng nghèo, có chính sách bảo hiểm ưu đãi khi thăm khám bệnh ở những cơ sở y tế công lập. Nhưng do nhận thức của người mang thai và gia đình còn nhiều hạn chế nên chưa một lần đi khám thai. “Bình thường, đến độ 7 tháng mang thai thì một phụ nữ cũng đã thăm khám thai nhi ít nhất là 2 lần. Nhưng bệnh nhân này lảng tránh thăm khám thai nhi nên mới phát hiện muộn như vậy. Ngay khi phát hiện ra, chúng tôi đã tư vấn để cô ấy về Hà Nội áp dụng kịp thời những phương pháp khoa học nhất nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người mẹ” – bác sỹ Lượng kể.

Cũng là dịp tình cờ, mới đây chúng tôi đã được theo chân các bác sỹ của Trung tâm y tế Dự phòng huyện Phù Yên đến triển khai công tác khám, chữa bệnh miễn phí tại xã Mường Lang – xã đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên. Buổi khám, chữa bệnh đông nghịt người dân với mọi độ tuổi, có cả nam và nữ cùng tham gia. Các bác sỹ của Trung tâm mồ hôi chảy ròng ròng nhưng vẫn tận tâm kiểm tra sức khỏe, phát hiện bệnh tật và hướng dẫn cách điều trị. Trời đã sang chiều, cả đoàn mới tạm nghỉ ăn cơm. Bác sỹ Lường Văn Lịch, bảo: Nhà báo thấy đấy. Hôm nay vẫn còn chưa phải đã nhiều bệnh nhân đâu.

Có những buổi khám chữa bệnh còn kéo dài hơn thế này nhiều nhưng chúng tôi động viên nhau: Bà con ở tận những bản xa về để khám bệnh. Mình mệt mỏi một tý nhưng nếu cố gắng thì bà con khám xong còn quay về bản trước khi trời tối. Nếu y, bác sỹ cứ ăn nghỉ đúng giờ thì lắm khi người dân phải chờ đợi đến tận hôm sau. Đó là chưa kể đến trường hợp người nào đã có bệnh thì tư tưởng dễ bị ảnh hưởng xấu trong lúc đợi chờ. Y đức người thầy thuốc phải được thể hiện ở tinh thần và việc làm “Hết lòng vì người bệnh”

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem