Giáo dục hot nhất: Hiệu trưởng đại học từ chức, bức ảnh chỉ 1 học sinh đến lớp chứa nhiều cảm xúc
Giáo dục hot nhất: Hiệu trưởng đại học từ chức, bức ảnh chỉ 1 học sinh đến lớp chứa nhiều cảm xúc
Anh Tuấn (t/h)
Chủ nhật, ngày 12/12/2021 12:09 PM (GMT+7)
Tuần qua, mảng giáo dục có nhiều thông tin nổi bật, cụ thể như bức ảnh về một học sinh trong lớp học trực tiếp ở trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) gây xôn xao và chứa nhiều cảm xúc; thông tin hiệu trưởng ĐH Hùng Vương từ chức sau 7 tháng được bổ nhiệm; vụ thầy giáo đánh học sinh ở Lai Châu… được dư luận quan tâm.
Ngày 10/12, TS. Nguyễn Kim Quang xác nhận với báo chí ông vừa chính thức từ nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM sau vài tháng ngắn đảm nhiệm vị trí này.
TS. Nguyễn Kim Quang cho biết, ông đã lớn tuổi, mong muốn để người trẻ có năng lực điều hành trường trong giai đoạn phát triển sắp tới. Trước khi về Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM với vai trò cố vấn, TS. Nguyễn Kim Quang là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã có quá trình gắn bó nhiều năm tại đây cho đến tuổi nghỉ hưu.
Theo thông báo nội bộ của Trường Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, kể từ đầu tháng 12, PGS.TS Lê Bảo Lâm, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, sẽ chính thức đảm nhận vai trò phụ trách nhà trường thay cho TS. Nguyễn Kim Quang.
Bức ảnh chỉ 1 học sinh đến lớp học trực tiếp chứa nhiều cảm xúc
Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, tính đến hết ngày 9/12, tỷ lệ học sinh lớp 12 trở lại trường tại 30 quận, huyện tương đối cao.
Cụ thể, cụm trường THPT có tỷ lệ học sinh lớp 12 đi học thấp nhất là 77,96%, tiếp đến là cụm Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng đạt 78,4%. Đây là khu vực có phường Phố Huế đạt cấp độ 3 về phòng dịch và nhiều địa điểm đang bị phong tỏa.
Tại cụm này, trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, chỉ có khoảng 6% học sinh đi học trực tiếp. Trong ngày 9/12 chỉ có duy nhất một em đến trường.
Bức ảnh duy nhất một nam sinh ngồi học trực tiếp với cô giáo, xung quanh là dãy bàn vắng bóng bạn bè đã được đăng tải trên mạng xã hội, gây ấn tượng và để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Điều này cho thấy nỗ lực của các trường, các thầy cô và phụ huynh, học sinh nói riêng cũng như ngành giáo dục nói chung khi đang thích ứng với trạng thái bình thường mới giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Chia sẻ về việc 1 học sinh đi học trường vẫn tổ chức dạy, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, cho biết, Sở đánh giá rất cao sự cố gắng của trường THPT Trần Nhân Tông, cũng như các trường có ít học sinh đến lớp khi vẫn tổ chức dạy học trực tiếp, triển khai song song hình thức khác để học sinh tiếp tục việc học trong bối cảnh dịch bệnh. Đây cũng là điển hình cho nỗ lực để trường học có thể dần mở cửa trở lại.
Trong tuần, hai trường THCS của hai huyện ngoại thành Hà Nội là Phú Xuyên và Thường Tín đã phải cho học sinh lớp 9 dừng học trực tiếp do phát hiện hai ca mắc Covid-19 là học sinh.
Hôm 9/12, trên mạng xã hội xuất hiện clip kèm nội dung "Thầy giáo đánh học sinh dã man…" được cho là xảy ra tại Trường THCS Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Nội dung clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông được cho là thầy giáo đã có hành động túm tóc, tát liên tiếp… vào mặt nhiều học sinh nam trước sự chứng kiến và sợ hãi của nhóm học sinh nữ.
Lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Than Uyên sau đó xác nhận sự việc đúng là xảy ra ở Trường THCS Mường Cang. Thầy giáo trong clip là thầy N.V.H – giáo viên dạy bộ môn thể dục đã có gần 20 năm công tác. Hiện thầy giáo đã bị tạm đình chỉ công tác.
Một đồng nghiệp công tác tại Trường THCS Mường Cang cho biết, thầy H. là người hòa đồng với mọi người. Cô giáo này nhận định sự việc xảy ra có một phần do học sinh nghịch ngợm cộng với thầy H. nóng tính nên không kìm chế được hành động.
Sự việc xảy được xác định xảy ra cách đây cả tháng nên hiện tại học sinh vẫn đi học bình thường.
HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa thông qua nghị quyết về chế độ khen thưởng, hỗ trợ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đối với học sinh và giáo viên đoạt giải từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026.
Theo nghị quyết này, học sinh đoạt giải trong một số kỳ thi, cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia, đoạt huy chương khu vực quốc tế, đoạt huy chương quốc tế tại kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa, cuộc thi khoa học kỹ thuật, thi Olympic khu vực quốc tế, thi Olympic quốc tế các môn văn hóa sẽ được thưởng mức cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đây.
Cụ thể, mức thưởng cho học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2016-2020; mức thưởng học sinh giỏi quốc gia tăng 3,5 đến gần 7 lần , khu vực quốc tế tăng 2,8 đến 3,3 lần; quốc tế tăng từ 3 đến 4,5 lần so với mức thưởng năm 2016 (cao nhất cả nước). Mức thưởng cao nhất 700 triệu cho học sinh đạt giải nhất cấp quốc tế, 500 triệu cho học sinh giỏi cấp khu vực quốc tế. Đồng thời, bổ sung thêm chính sách cho học sinh đạt giải là người dân tộc thiểu số được thưởng bằng 1,5 lần so với mức thưởng quy định.
Với việc thưởng cao nhất 700 triệu đồng cho học sinh giỏi đoạt giải nhất quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đang dẫn đầu cả nước về mức thưởng dành cho học sinh giỏi tính đến thời điểm này.
TP.HCM, Đà Nẵng dừng cho học sinh lớp 1 đến trường
Ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 4 HĐND TPHCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026), UBND TP.HCM quyết định tạm dừng triển khai thực hiện kế hoạch cho học sinh lớp 1 đến trường từ ngày 13/12 sau khi nhận được nhiều ý kiến lo ngại từ các phụ huynh.
Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến, khảo sát và trao đổi rất nhiều lần để có được kết quả thống kê. Trong khi khối lớp 9 và 12 nhận được sự đồng thuận rất cao của phụ huynh, ở khối lớp 1, tỷ lệ này lại rất thấp, chưa đạt 30% ủng hộ.
Đà Nẵng cũng tạm dừng cho học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp từ ngày 13/12 khi có hơn 77% phụ huynh đề nghị không tiếp tục dạy học trực tiếp đối với khối lớp này.
Sở GDĐT TP.Đà Nẵng cho biết, các trường sẽ tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 theo phương án đã thực hiện từ đầu năm học. Riêng đối với học sinh trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang thì tiếp tục học trực tiếp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.