Giáo sư Mỹ "mách mẹo" bạn trẻ Việt Nam: Không cần là thiên tài bẩm sinh vẫn có thể học tốt
Giáo sư Mỹ "mách mẹo" bạn trẻ Việt Nam: Không cần là thiên tài bẩm sinh vẫn có thể học tốt
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 12/11/2022 17:00 PM (GMT+7)
Theo GS Barbara, học tập đi theo một con người suốt đời nhưng không phải tất cả mọi người đều biết cách học. Bạn không cần là thiên tài bẩm sinh để học tốt, chỉ cần bạn tin vào bản thân vào các phương pháp và chính não bộ của bạn.
GS. TS Giáo dục Barbara Oakley, giáo sư kỹ thuật tại Trường Đại học Oakland, bang Michigan, Mỹ đã có chia sẻ về bộ não con người, từ đó giúp học sinh, sinh viên và giáo viên có những cách học hiệu quả.
Những thông tin bất ngờ về trí não con người
Trong buổi hội thảo "Học cách học - Learning how to learn" tại Hà Nội sáng 12/11, GS Barbara Oakley, cho biết mỗi người có khoảng 86 tỷ neuron. Khi học sinh bắt đầu học một điều gì đó lần đầu tiên, các neuron bắt đầu tìm kiếm nhau và tạo ra các kết nối. Khi tiến hành củng cố những gì học được, học sinh sẽ tạo ra các kết nối mạnh mẽ hơn, đạt đến trình độ thành thạo.
Đôi khi mọi người nghĩ rằng, trí nhớ dài hạn của chúng ta chỉ có không gian lưu trữ hạn chế. Điều này không đúng. Dung lượng lưu trữ thông tin của não là khoảng 1 tỷ byte. Điều này có nghĩa là não có thể lưu nhiều thông tin hơn cả số cát trên bãi biển và sa mạc của trái đất cộng lại. Vấn đề thực sự của chúng ta với trí nhớ không phải là chúng ta có thể lưu trữ bao nhiêu mà là việc nạp và truy xuất thông tin trong đó. Cuộc đời mỗi người kéo dài khoảng 109 giây và chúng ta có khoảng 1014 khớp thần kinh mỗi giây khi đang trải nghiệm cuộc sống này. Vì vậy chúng ta có thể dùng tới 105 khớp thần kinh mỗi giây khi đang trải nghiệm cuộc sống này.
Điều thứ hai GS Barbara muốn nhấn mạnh là sự khác biệt về dung lượng trí nhớ thao tác đồng nghĩa với sự khác biệt về tốc độ học. Bà từng dạy môn Điện từ học cho cả bậc cử nhân và sau đại học. Ngành học khá khó này áp dụng giải tích cao cấp để định lượng sự đan xen của từ trường và điện trường. Từ học kỳ này qua học kỳ khác, bà đã chứng kiến sinh viên vật lộn với học hành.
Tuy nhiên, cũng gần như cố định, mỗi học kỳ có một hoặc hai sinh viên "ngôi sao" mà với họ, Điện từ học rất đơn giản, thậm chí dễ dàng. Rõ ràng, có sinh viên tư duy nhanh nhạy trong khóa học - có bộ não như xe đua có thể lao tới vạch đích bằng những câu trả lời nhanh chóng. Các sinh viên khác trong lớp lại có bộ não "đi bộ". Họ cũng có thể cán đích nhưng chậm hơn khá nhiều. Hầu hết người học đều sẽ là "xe đua" trong một số môn và "người đi bộ" trong những môn khác.
Thế nhưng, tốc độ không hẳn là lợi thế. Người điều khiển xe đua về đích nhanh chóng nhưng mọi thứ trôi qua mờ mịt. Người đi bộ chậm hơn nhưng có thể chạm tay vào những điều mà người điều khiển xe đua không cảm nhận được.
Bài khó... làm trước
GS Barbara tư vấn, đối với những học sinh đã dành những khoảng thời gian chất lượng để học bài, một cách hiệu quả để làm tốt bài kiểm tra là phương pháp khởi động bằng bài khó. Để áp dụng phương pháp này, ngay khi có bài kiểm tra, học sinh nên đọc nhanh một lượt để tìm câu hỏi khó nhất. Đó là câu mà các em nên thử làm trước. Những các em cũng nên chuyển sang câu khác ngay khi cảm thấy mình mắc kẹt, thường là một hoặc hai phút sau khi bắt đầu.
Với phương pháp này, sau khi cảm thấy bế tắc với bài khó, học sinh nên ép bản thân chuyển sang các câu đơn giản hơn. Làm các bài dễ hơn một chút cho phép chế độ phân tán đồng thời hoạt động ngầm để giải quyết câu khó. Sau đó, khi hướng sự tập trung trở lại câu này, các em thường có thể hoàn thành hoặc ít nhất là có nhiều tiến triển hơn.
Theo GS Barbara, phương pháp khởi động bằng bài khó hiệu quả hơn nhiều so với việc bắt đầu với những câu dễ trước và giải quyết câu khó nhất vào cuối bài kiểm tra, khi học sinh đã mệt mỏi về tinh thần và căng thẳng vì thời gian còn lại quá ít. Nó tận dụng lợi thế của chế độ phân tán để sử dụng não bộ như một loại xử lý kép, giải quyết câu hỏi hóc búa ở chế độ nền. Tất nhiên, nếu học sinh chưa chuẩn bị tốt thì vẫn nên bắt đầu với những câu hỏi dễ để lấy điểm.
Barbara Ann Oakley, sinh năm 1955, là giáo sư kỹ sư người Mỹ tại Đại học Oakland và Đại học McMaster. Bà tham gia nhiều mảng nghiên cứu, từ giáo dục STEM đến các phương thức học tập...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.