“Giáo sư Xoay” đề xuất diễn kịch về ngoại tình công sở vào buổi trưa cho dân công sở xem

Hà Tùng Long Thứ tư, ngày 22/03/2023 15:55 PM (GMT+7)
"Dân công sở buổi trưa đa số không phải làm gì ngoài nghỉ ngơi. Và Nhà hát Tuổi trẻ có thể dựng những vở kịch ngắn, diễn từ 12h30 đến 13h30, về đề tài ngoại tình công sở, đảm bảo các cô đến xem sẽ rất đông", "Giáo sư Xoay" phát biểu.
Bình luận 0

Trong buổi gặp gỡ nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ, "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng chia sẻ: "Những ngày tôi chập chững viết kịch, anh Chí Trung đã mời tôi về đây cộng tác. Nhà hát Tuổi trẻ chính là môi trường thực tập của tôi. Tôi thường đến đây mỗi khi Nhà hát diễn vở và ngồi ở hàng ghế cuối quan sát để xem tại sao đoạn này khán giả lại cười, đoạn này mình nghĩ họ cười mà lại không cười. Tôi đã rút được rất nhiều "sợi dây kinh nghiệm" sau mỗi lần ngồi phía sau quan sát như thế".

 “Giáo sư Xoay” đề xuất Nhà hát Tuổi trẻ nên diễn về ngoại tình công sở vào buổi trưa  - Ảnh 1.

"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng phát biểu trong buổi gặp gỡ nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: BTC.

"Giáo sư Xoay" cho rằng, Nhà hát Tuổi trẻ đã bám sát định hướng làm các chương trình, các vở diễn cho đối tượng thanh thiếu nhi nhiều năm qua rất tốt. Bản thân anh thấy, làm các chương trình cho thiếu nhi không hề dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều điều kiện "cần" và "đủ", trong đó đặc biệt phải có rất nhiều tiền.

"Tôi nghĩ rằng, để sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ luôn sáng đèn và luôn có khán giả thì cần phải thay đổi môi trường. Chúng ta không nhất thiếu lúc nào cũng chỉ dùng người trong Nhà hát. Có thể mời ngôi sao ở bên ngoài về tham gia với tư cách cộng tác. Tôi lấy ví dụ, hôm nay diễn vở này, có thể mời Tuấn Hưng về hát cho một đoạn. Hôm sau diễn vở khác lại mời Mỹ Linh đến hát cho một đoạn. Càng ngày môi trường càng được mở rộng thì nghệ sĩ sẽ được diễn nhiều vở hay. Dần dần chúng ta sẽ nâng giá vé lên vì giá vé hiện tại đang thấp quá. Theo những gì tôi thấy, hiện diễn các vở kịch cho thiếu nhi mà giá vé trên 1 triệu đồng là rất khó bán, thậm chí đưa xuống 500 nghìn/vé vẫn có nhiều lăn tăn.

Thời kỳ anh Chí Trung còn làm quản lý của Nhà hát Tuổi trẻ, tôi cũng đã nghĩ rất nhiều cách để xoay trở cho sân khấu kịch. Lúc đầu tôi nghĩ ra việc đưa sân khấu kịch lên truyền hình. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ ngây thơ rằng, đưa kịch lên truyền hình thì nhiều người sẽ xem được một vở kịch hay. Nhưng hóa ra, một vở kịch không chỉ có diễn viên và nội dung mà còn không khí kịch. 

Khi chúng ta đến một nhà hát xem kịch nó khác với việc ngồi trước màn hình điện thoại xem kịch. Và khi chúng ta đã đưa kịch lên truyền hình thì chúng ta sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với Netflix, TikTok, YouTube… Nếu vở kịch của chúng ta không hay thì chỉ cần vuốt tay một phát là vở kịch đó sẽ biến khỏi màn hình ngay lập tức.

 “Giáo sư Xoay” đề xuất Nhà hát Tuổi trẻ nên diễn về ngoại tình công sở vào buổi trưa  - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Chí Trung sẽ trở lại với serie "Đời cười tuyển chọn" nhân kỷ niệm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: BTC.

Dần dần tôi nghĩ, chúng ta sẽ phải thay đổi tư duy. Chúng ta có thể diễn kịch vào buổi trưa dành cho dân công sở. Dân công sở buổi trưa đa số không phải làm gì ngoài nghỉ ngơi. Và chúng ta có thể dựng những vở kịch ngắn, diễn từ 12h30 đến 13h30, về đề tài ngoại tình công sở, đảm bảo các cô đến xem sẽ rất đông.

Tôi nghĩ rằng, bây giờ chúng ta sẽ buộc phải chạy theo xu hướng thị trường một chút. Trước nay chúng ta cứ cuối tuần lại bật đèn, nghệ sĩ xiêm y lộng lẫy lên diễn rất nghiêm trang… bây giờ chúng ta phải thay đổi đi. Chúng ta có thể diễn các vở ngắn dành cho dân công sở, cuối tuần chúng ta vẫn diễn cho khán giả đại chúng.

Còn với kịch thiếu nhi, trẻ con bây giờ yêu cầu cao hơn ngày xưa nhiều nên cũng phải thay đổi cách làm. Ngoài ra, chúng ta cũng nên đón đầu các dịp lễ lớn để có thể tận dụng được tối đa lợi thế mình đang có".  

 “Giáo sư Xoay” đề xuất Nhà hát Tuổi trẻ nên diễn về ngoại tình công sở vào buổi trưa  - Ảnh 3.

NSND Trịnh Thúy Mùi phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: BTC.

Nhà hát Tuổi trẻ đã có chặng đường 45 năm đầy vinh quang

NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ, 45 năm là một chặng đường không phải dài với một đơn vị nghệ thuật nhưng với Nhà hát Tuổi trẻ thì đó là chặng đường rất vinh quang. Nhìn vào khối lượng tác phẩm, số lượng nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát không thua kém bất kỳ một Nhà hát nào và Nhà hát Tuổi trẻ có quyền tự hào về điều đó. 

Nhà hát Tuổi trẻ đã có những nghệ sĩ tên tuổi như: Lê Khanh, Chí Trung Ngọc Huyền, Anh Tú, Lan Hương, Minh Hằng… đã có nhiều đóng góp cho sân khấu. Có lớp nghệ sĩ kế cận cũng rất mạnh về sức vóc, tài năng. Rõ ràng, Nhà hát có truyền thống trau dồi cho lớp trẻ tiếp nối lớp đi trước.

Theo NSND Trịnh Thuý Mùi, Nhà hát Tuổi Trẻ đã xác định tầm nhìn và hướng đi đúng trong việc đổi mới chính mình nhằm bắt kịp xu thế và nhịp sống của xã hội, mang sân khấu đến gần hơn với mọi đối tượng khán giả. Đây là điều mà các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật sân khấu cần phải học tập. Để tạo nên một thương hiệu nhà hát quốc gia thành công phải ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý Nhà hát Tuổi Trẻ từ các đời ban giám đốc đầu tiên cho tới hiện tại. Sự đóng góp của họ đã tạo nên dấu ấn riêng cho Nhà hát Tuổi trẻ.

 “Giáo sư Xoay” đề xuất Nhà hát Tuổi trẻ nên diễn về ngoại tình công sở vào buổi trưa  - Ảnh 5.

Diễn viên Thu Quỳnh đại diện cho thế hệ diễn viên trẻ phát biểu. Ảnh: BTC.

"45 năm qua, có những lúc sân khấu chìm nổi, khó khăn chồng khó khăn nhưng riêng Nhà hát Tuổi trẻ thì lúc nào, thời nào cũng có người rất giỏi làm lãnh đạo. Đó là cái rất riêng của Nhà hát Tuổi trẻ mà chúng tôi rất thán phục. Người lãnh đạo giỏi mới tạo nên nhân tố mới, mới thay đổi được môi trường. Với lực lượng diễn viên trẻ của Nhà hát Tuổi trẻ hôm nay, chúng ta có quyền tự hào về lịch sử phát triển của mình", NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.

NSƯT Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, Nhà hát Tuổi trẻ được thành lập từ năm 1978. Đạo diễn Hà Nhân và đạo diễn Phạm Thị Thành là những người đã có công gầy dựng Nhà hát Tuổi trẻ. Từ đó đến nay, các hoạt động của Nhà hát Tuổi trẻ luôn gắn với đối tượng là thanh thiếu nhi.

"Sự ra đời của Nhà hát Tuổi trẻ 45 năm trước với định hướng, sứ mệnh phục vụ khán giả trẻ là dấu ấn đặc biệt thể hiện tầm nhìn, nhãn quan đúng đắn xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn và nhu cầu, thị hiếu của khán giả trẻ mong muốn được thụ hưởng các giá trị chân – thiện – mỹ thông qua nghệ thuật. Nhà hát Tuổi trẻ với bản sắc độc đáo là nơi tập hợp đa dạng nhiều loại hình trình diễn, không ngừng sáng tạo và làm mới mình trở thành cầu nối hiệu quả trong việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống đương đại.

 “Giáo sư Xoay” đề xuất Nhà hát Tuổi trẻ nên diễn về ngoại tình công sở vào buổi trưa  - Ảnh 7.

NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: BTC.

Là ngôi nhà nghệ thuật của nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh cùng những tác phẩm chinh phục nhiều thế hệ khán giả bằng giá trị thẩm mỹ và sức sống lâu bền, Nhà hát Tuổi trẻ bước sang tuổi 45 với nhiều với niềm lạc quan, nhiệt huyết và ước vọng về một nhà hát hàng đầu dành cho thanh thiếu niên tại Việt Nam", NSƯT Sĩ Tiến nói.

Nhân dịp này, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ công diễn hàng loạt vở kịch như: nhạc kịch Trại hoa vàng, Sống mãi tuổi 17, hài kịch Đời cười tuyển chọn. Series hài kịch Đời cười ra mắt hơn 20 năm trước, lần diễn trở lại này có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ từng đảm nhận những vai diễn đầu tiên như: NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung, NSƯT Ngọc Bích, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Minh Phương, Đức Thịnh, Ngọc Tuấn, Vân Dung, Bá Anh, Thanh Bình, Quang Ánh, Thanh Dương...

NSƯT Chí Trung - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, tham gia Đời cười tuyển chọn là cơ hội để các nghệ sĩ trở về "ngôi nhà xưa" của mình. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm, nam nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu của nhà hát nên rất mong chờ, nhất là khi có dịp hội ngộ rất nhiều nghệ sĩ tài danh từng gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem