Giao Thủy, Nam Định: Tàn phá vùng đệm vườn quốc gia

Chủ nhật, ngày 16/12/2012 12:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm tại nơi sông Hồng đổ ra Biển Đông, thuộc huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định), là 1 trong 2 địa điểm của Việt Nam được UNESCO công nhận là khu Ramsar. Vùng đệm của VQG này đang bị đe dọa...
Bình luận 0

Rừng bị đốn hạ, kênh mương chục tỷ bị lấp

Trước mắt chúng tôi, vùng đất ngập mặn thuộc các xã Giao An, Giao Xuân, Giao Thiện… nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy trở nên nham nhở, khác hẳn với một vùng phong cảnh tuyệt đẹp, sông nước hữu tình từng có. Nếu như trước đây, các chủ đầm chỉ được nuôi tôm, cua… dưới tán những rừng sú, vẹt thì nay đã xuất hiện hàng loạt những ao rộng hàng ha phẳng lì, trống trơn cây cối.

img
Hệ thống kênh vừa được cải tạo hàng chục tỷ đồng đã bị bồi lấp gần một nửa.

Anh Trần Đài - một người dân đang nuôi tôm, cua chỉ ra phía một đầm đã bị cào trắng, đào sâu nói: “Trước đây, khu đầm rộng 2ha kia toàn là cây xanh. Cách đây 2 tháng, chủ đầm cho chặt hết cây, hút hết bùn đất ra sông để lập trại nuôi ngao giống. Máy múc, máy hút làm ròng rã hàng tháng trời. Vài năm trước, chim mỏ thìa, bồ nông, cò về đây nhiều lắm. Nhưng bây giờ, rừng chỉ còn lưa thưa, máy móc ầm ầm không chim chóc nào dám về”.

Theo một lãnh đạo huyện Giao Thủy, việc cải tạo các kênh mương ở đây bằng nguồn vốn của Chính phủ với giá trị hàng chục tỷ đồng. Như vậy, số tiền không nhỏ đó đã bị đổ xuống sông, xuống biển một cách vô ích.

Giám đốc VQG Xuân Thủy - ông Nguyễn Viết Cách cho biết, tổng diện tích bị cải tạo chuyển sang nuôi ngao, vạng (bắt buộc chặt cây) ở vùng đệm của VQG ước khoảng hàng chục ha. Ông Cách cho rằng: “Quy định vùng đệm của VQG ngập mặn có được cải tạo hay không hiện nay chưa rõ ràng, mỗi nơi áp dụng mỗi cách khác nhau”.

Có tiền “quan hệ” sẽ được chặt cây, đào đầm?

Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến khu đầm ngao đã được san phẳng của một người tên là Trần Văn Ninh (xã Giao Xuân). Một người trông coi đầm này nói: “Khu đầm này ruộng 3,8ha; trước đây dùng để nuôi tôm, cua dưới tán rừng, nhưng vừa rồi phải chặt bỏ cây, hút bùn sâu xuống rồi bơm cát vào thì mới nuôi ngao được.

Anh Ninh có “quan hệ” với lãnh đạo huyện và lãnh đạo VQG nên chỉ mất 5 – 6 triệu đồng, nếu không thì phải mất 15 – 20 triệu đồng mới được “cải tạo”. Hồi đầu năm, nghe nói anh Nam, Tuyền, Trọng (những hộ cũng chuyển đổi) “chạy luật” hết 25 triệu đồng. Nói chung chạy luật không có giá nào, quen thì ít, còn không thì cũng kha khá”- ông này tiết lộ.

Ông Lê Xuân Thủy - Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho biết: Về nguyên tắc, ngành nông nghiệp không khuyến khích các hoạt động nuôi trồng thủy sản làm ảnh hưởng đến môi trường như chặt phá rừng ngập mặn. Sở sẽ chỉ đạo các phòng ban chức năng tìm hiểu và đưa ra hướng xử lý nghiêm với vụ việc này.

Anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn Giao Hy, xã Giao An đang thuê 18ha tại vùng đệm VQG Xuân Thủy để nuôi tôm, cua, rau câu… bức xúc nói: “Chúng tôi chỉ được đào lạch ở những vùng không có cây để nuôi tôm, cua chứ không được chặt bỏ một cây nào. Ngay cả việc gom cây già chết về làm củi cũng bị Ban quản lý VQG bắt phạt. Nhưng không hiểu sao, nhiều người chặt phá cả ha cây, cải tạo hút bùn đổ ra sông lại không bị phạt”.

Ông Nguyễn Văn Hán - một hộ nuôi ở đây còn cho biết, khi biết có những chủ đào ao, chính ông đã gọi điện báo cho lãnh đạo VQG và cán bộ UBND huyện. Nhưng máy móc làm liên tục hàng tháng trời, không thấy đoàn nào ra kiểm tra.

Khi chúng tôi liên lạc với ông Phùng Văn Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy phụ trách mảng nông nghiệp, ông này lại nói rằng, việc cải tạo đầm như trên là được phép và từ chối làm việc vì đang bận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem