Theo Hà Nội mới
Thứ tư, ngày 16/08/2023 15:09 PM (GMT+7)
Rừng Sóc Sơn được ví như “lá phổi xanh” của Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nhiều vạt rừng đã bị “xẻ thịt” ồ ạt để xây dựng các khu nghỉ dưỡng trái phép.
Mặc dù hằng năm chính quyền từ huyện đến xã đều triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý, nhưng vi phạm vẫn xảy ra theo chiều hướng phức tạp, khó giải quyết...
Căn nguyên phát sinh vi phạm
Ngày 29-5-2008, tại Quyết định số 2100/QĐ-UBND, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Dự án “Điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội”, trong đó đưa toàn bộ 4.557ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 11 xã đồi gò và Lâm trường Sóc Sơn (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội) thuộc huyện Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch này đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý, phát triển kinh tế của địa phương. Nhiều nội dung quy định trong quy hoạch rừng sau 15 năm vẫn chưa được triển khai, như: Chưa thực hiện công tác thu hồi đất của tổ chức, hộ gia đình nằm xen kẽ trong rừng; chưa giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân... Hơn nữa, ranh giới quy hoạch rừng năm 2008 bị trùng lấn với 387,5ha đất quốc phòng, an ninh; 39,45ha đất trường học, trụ sở cơ quan nhà nước; 5,81ha đất tôn giáo, tín ngưỡng; 510,39ha đất ở của 2.634 hộ dân (có trước quy hoạch rừng)…
Những tồn tại trên cùng với sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương trong thời gian dài là nguyên nhân phát sinh nhiều vi phạm.
Năm 2017-2018, sau khi dư luận phản ánh tình trạng hàng loạt công trình mọc lên trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, Thanh tra thành phố Hà Nội đã thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tập trung vào “điểm nóng” tại xã Minh Phú và Minh Trí.
Đến tháng 3-2019, Thanh tra thành phố Hà Nội ban hành Kết luận số 1085/KL-TTTP-P3 và Kết luận số 1125/KL-TTTP-P3 ngày 14-3-2019, chỉ ra ở Sóc Sơn có 2.915 trường hợp vi phạm về đất đai có công trình xây dựng, trong đó có 2.715 trường hợp vi phạm đất rừng. Riêng xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực 7 hồ lớn trong rừng có 797 công trình vi phạm.
Quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn cho biết, từ chỉ đạo của Thanh tra thành phố về việc xử lý 68 trường hợp vi phạm nghiêm trọng đất rừng, huyện Sóc Sơn đã tiến hành cưỡng chế, xử lý xong 35 công trình vi phạm; còn 33 công trình đang trong quá trình cưỡng chế thì có đơn khiếu nại của công dân và văn bản của Thanh tra Chính phủ yêu cầu tạm dừng việc cưỡng chế để làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án quy hoạch rừng…
Còn về những vi phạm từ năm 2020 đến nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc khẳng định, huyện rất kiên quyết xử lý, nhất là tại xã Minh Trí và xã Minh Phú. Cụ thể, trong 7 tháng của năm 2023, huyện đã ra quân xử lý 28 trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất quy hoạch rừng, 9 vụ khai thác, chặt phá cây rừng, giải tỏa 275 lều, lán dựng dưới tán rừng tại khu vực thôn Minh Tân, xã Minh Trí. Ngoài ra, UBND xã Minh Phú và xã Minh Trí ra quân giải tỏa 29 trường hợp vi phạm từ trước năm 2022. Hiện tại, còn 45 trường hợp mới phát sinh vi phạm, huyện đã chỉ đạo các xã thiết lập hồ sơ, xây dựng phương án cưỡng chế, giải tỏa trong năm 2023.
Cần xử lý tận gốc vi phạm
Để xảy ra những tồn tại trên, chịu trách nhiệm chính là Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn. Tiếp đến, đơn vị lập quy hoạch rừng thời điểm đó chưa thực hiện rà soát, cập nhật chính xác số liệu dân cư trên địa bàn, dẫn đến “bỏ quên” nhiều khu dân cư, công trình công cộng nằm trong ranh giới quy hoạch rừng. Các sở, ngành liên quan chưa kịp thời kiểm tra, giám sát, phối hợp, hướng dẫn đơn vị lập quy hoạch rừng và UBND huyện Sóc Sơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...
Về hướng giải quyết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho biết, Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. UBND huyện ban hành 6 kế hoạch và hơn 90 văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đất rừng và trật tự xây dựng; thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân về các hành vi vi phạm đất đai, trật tự xây dựng để xử lý ngay, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới. Đồng thời, huyện đã xử lý, kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên có liên quan...
Nhìn nhận dưới góc độ cơ quan quản lý, bảo vệ rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho rằng, muốn giải quyết tận gốc vi phạm đất rừng tại Sóc Sơn, mấu chốt là thành phố phải giao đất gắn với giao rừng cho các chủ rừng. Đối với các khu dân cư kinh tế mới như thôn Minh Tân (xã Minh Trí), xóm Ban Tiện (xã Minh Phú) hình thành trước khi có quy hoạch rừng, chính quyền cần rà soát kỹ, bóc tách rõ,đâu là đất ở, đâu là đất rừng để xây dựng phương án xử lý, góp phần bảo vệ tốt “lá phổi xanh” của Thủ đô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.