Giặt khô: Tới hàng xóm cũng có thể mắc ung thư

Thứ ba, ngày 17/04/2012 06:21 AM (GMT+7)
Chất PERC dùng trong công nghệ giặt khô có thể gây ung thư, thậm chí tử vong. Khi mở máy sau khi giặt xong, hơi PERC có thể bốc lên tầng thứ ba hay thứ tư.
Bình luận 0

Trong ngành giặt quần áo, có hai phương thức chính: giặt “nước” thông thường và giặt “khô”, còn được gọi hấp, dùng để giặt đồ bằng len hay bằng nỉ. Thế nhưng mới đây, hai hiệp hội bảo vệ môi trường Pháp đã lên tiếng báo động, cho biết là chất perchloroéthylène, dung môi dùng rất nhiều trong máy giặt “khô” lại là một hóa chất rất nguy hiểm, có thể gây bệnh ung thư.

Dựa theo một số công trình nghiên cứu khoa học, Mạng lưới Y tế - Môi trường (Réseau santé environnement) và Hội Các thế hệ tương lai (Générations futures) đã nêu bật tác hại của perchloroethylene (còn gọi là PERC), một chất tẩy rất mạnh được máy phun vào quần áo để làm sạch.

Hai hiệp hội trên xác định, chất tẩy này rất độc hại cho những người tiếp cận với nó, từ nhân viên làm việc tại các cơ sở giặt cho đến những cư dân sống chung quanh.

img

Khi mở máy sau khi giặt xong, hơi PERC thoát ra khỏi máy và người hít phải hơi này không chỉ là nhân viên trực tiếp làm công việc giặt mà còn là những người sống ở các căn hộ bên trên cơ sở giặt do hơi bốc lên, xuyên qua trần nhà - kể cả bằng bêtông.

Theo nghiên cứu, hơi có thể bốc lên tầng thứ ba hay thứ tư. Hàng xóm của cơ sở giặt, người qua đường và khách hàng mang quần áo đến giặt cũng thường xuyên tiếp xúc với hóa chất này.

Theo ông André Cicolella, thuộc Mạng lưới Y tế - Môi trường, được AFP trích dẫn, tiêu chuẩn được chấp nhận theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO là 250 microgram/m3, nhưng những người sống chung quanh các cơ sở giặt ủi khô trung bình phải tiếp xúc với nồng độ 2.000 microgram/m3. Sở dĩ, các tổ chức bảo vệ môi trường phải lên tiếng vì gần đây đã có một ca tử vong vì hít phải hơi PERC. Nạn nhân là cụ José-Anne Bernard, ngoài 70 tuổi, qua đời năm 2009.

Cụ Bernard cư ngụ ở thành phố Nice (miền Nam nước Pháp) trong một căn hộ bên trên một cơ sở giặt là. Theo con trai của cụ, khám nghiệm tử thi cho thấy cụ bị nhiễm PERC trong tất cả các bộ phận cơ thể, ngoại trừ dạ dày. Điều đó xác định là nạn nhân bị chết vì bị nhiễm hóa chất này, chứ không phải vì đã uống nhầm. Người quản lý cơ sở giặt ủi đã bị truy tố vào tháng 9.2011 về tội ngộ sát và cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.

Đối với ông Francois Veillerette, phát ngôn viên Hội Các thế hệ tương lai, các chuẩn mực hiện hành tại Pháp không đủ để bảo vệ sức khỏe người dân trước tác hại của các loại hóa chất độc hại như chất PERC. Ông đặc biệt nhấn mạnh, Hoa Kỳ đã có “biện pháp mạnh” tẩy chay loại chất này, cũng như Đan Mạch ngay từ năm 2003.

Theo phát ngôn viên Hội Bảo vệ môi trường này thì những điều cần phải làm không có gì là khó thực hiện. Theo ông Veillerette, hiện có ba phương án khả thi để thay thế chất PERC: dùng nước và hơi nước; sử dụng siloxane, một dung môi ít độc hại hơn; hoặc sử dụng khí carbon ở nhiệt độ thấp.

Vấn đề mà các tổ chức bảo vệ môi trường đòi hỏi là phải nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng chất PERC, điều mà chính quyền cho đến nay vẫn bác bỏ, mà chỉ tìm cách củng cố các quy định hạn chế việc lan tỏa hơi độc hại này, đồng thời cấm đặt các cơ sở giặt ủi mới sát cạnh các khu nhà ở.

Các tổ chức môi trường lẽ dĩ nhiên không thỏa mãn trước các quyết định nói trên. Họ cho biết đã tìm thấy khoảng một chục trường hợp tương tự như vụ ông Bernard. Trước mắt, họ đã đệ đơn khiếu nại trong hồ sơ Bernard và nếu chất PERC không bị cấm, họ sẽ khởi kiện Nhà nước về tội thiếu sót trong việc bảo vệ sức khỏe người dân.

Dưới nhiệt độ bình thường, PERC ở trạng thái lỏng không bắt lửa nhưng cũng rất dễ bay hơi và hòa lẫn trong không khí. Nhiệt độ càng cao thì sự bốc hơi càng mạnh và tạo ra một mùi khó chịu giống như chất ether.

Hóa chất này xâm nhập môi trường bằng bốc hơi trong không khí khi được sử dụng trong kỹ nghệ hoặc ngấm vào đất, nước khi thất thoát từ máy giặt hoặc từ thùng chứa. Trước đây, các tiệm giặt ủi khô được phép xả nước bẩn từ máy giặt vào hệ thống cống rãnh địa phương.

Theo chính quyền, tới 25% nước uống tại Hoa Kỳ bị nhiễm PERC. Mỗi năm có 200 triệu kg PERC được gần 35.000 tiệm giặt ủi ở nước Mỹ dùng mà một số lớn hòa lẫn trong không khí cũng như vùng đất, nước chung quanh.

Một số vật liệu gia dụng cũng có PERC như dung dịch không thấm nước xịt trên gỗ (Water repellent), hóa chất tẩy vết bẩn, băng dính, hóa chất chùi gỗ.

Trong y học, PERC được dùng làm thuốc mê khi giải phẫu vì nó làm bệnh nhân bất tỉnh. Có thể đo số lượng hơi PERC trong hơi thở, giống như đo hàm lượng cồn ở người uống rượu.

Theo SKĐS

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem