Giật mình nghe con kể chuyện rùng rợn và lý thuyết trống mái

Thứ hai, ngày 21/05/2012 19:43 PM (GMT+7)
Tin hay không thì tuỳ bạn về việc áp dụng lý thuyết của con trai tôi về gà trống, gà mái cùng tình yêu con cái. Nhưng tôi thì tôi không cười nữa ngay cả khi câu chuyện rùng rợn về con vật rất ư là buồn cười...
Bình luận 0

Làm sao tôi có thể biết được bọn trẻ con có thể mất ngủ ở trường vì một câu hỏi của ba hay mẹ chúng trong lúc nóng giận? Làm sao tôi có thể biết được cách trả lời nào sẽ là tốt nhất cho cậu bé mười tuổi kia khi má nó hỏi: “Con chọn ở với ba hay với má, hả Văn?”

Trò chuyện trên đường về nhà đã như là một thói quen giữa hai mẹ con mỗi ngày. Và chiều nay không đợi tôi hỏi câu quen thuộc hôm nay ở trường con có gì vui thì thằng bé vừa leo lên xe ôm chặt mẹ đã vội thì thầm hỏi mẹ: “Con có hai chuyện rùng rợn muốn kể mẹ nghe, một chuyện về con người, một chuyện về con vật”.

Tôi thờ ơ với từ “rùng rợn” của thằng nhóc mười tuổi, nên tôi trả lời con trai muốn kể chuyện gì trước cũng được, vì tôi từng nghe rất nhiều chuyện được gắn mác “rùng rợn” mà lần nào nghe xong thì tôi cũng luôn cười thành tiếng.

img

Con trai nhất định bắt tôi phải chọn lựa câu chuyện và rằng nó thật sự “rùng rợn” chứ không phải chuyện bình thường như mọi ngày. Ừ thì chọn, chọn nghe chuyện rùng rợn về con người trước, chọn như thể bắt nhịp 1, 2, 3 để con trai kể chuyện mẹ nghe trên đường về.

Nếu như trong các câu chuyện cổ tích luôn bắt đầu bằng bốn từ “ngày xửa ngày xưa” thì trong các câu chuyện của con trai luôn bắt đầu bằng ba từ “Mẹ biết không”. Và câu chuyện rùng rợn về con người cũng bắt đầu từ chuyện tôi có biết không, rằng trưa nay thằng Văn đã buồn bã nằm im lìm không chọc ghẹo chơi giỡn với nhóm bạn trai nằm gần như mọi buổi trưa.

Và tôi có biết không, rằng thằng Nhật đã hỏi thằng Văn tại sao nó buồn ghê gớm đến vậy? Thằng Văn đã kể với thằng Nhật về chuyện gia đình nó, về chuyện ba nó nói lớn tiếng với má nó và má nó đòi ly hôn với ba nó. Và tôi có biết không, thằng Văn đã buồn chuyện ba má nó cãi nhau, buồn chuyện ba má nó đòi chia tay nhau, nhưng buồn hơn tất cả là má nó lại hỏi nó muốn chọn ở với ba hay với má.

Không riêng thằng Nhật mà cả thằng Lành, thằng Thương đã xúm vào an ủi thằng Văn là đừng có buồn chuyện ba má cãi nhau. Vì theo thằng Nhật thì ba má “thằng nào” cũng cãi nhau hết. Nó khuyên thằng Văn nên ngủ đi nhưng thằng Văn nhất định không chịu ngủ, đã vậy mắt thằng Văn còn có nước.

Thằng Văn nói, nó không buồn về chuyện ba nó cãi nhau với má nó, có buồn thì cũng buồn ít ít, nỗi buồn khủng khiếp trong lòng nó là câu hỏi của má nó: “Con chọn ở với ba hay với má hả Văn?”

“Mẹ biết không? Thằng Nhật kêu thằng Văn nên hỏi ý kiến của con, vì con là đứa có kinh nghiệm!” Con trai có vẻ cao giọng đầy sự tự hào bản thân về chuyện mình là đứa có kinh nghiệm làm con trong gia đình có bố mẹ ly hôn.

Lần đầu tiên, tôi thật sự thấy câu chuyện đã có tính “rùng rợn” đúng như lời tuyên bố của con trai. Tôi thấy lòng mình nhói đau và cứ như vừa được tiêm thuốc tê vào não, vào tim khiến tôi tê tái trước “nỗi buồn rùng rợn” và cả “sự tự hào ngô nghê” của bọn trẻ.

Con trai tiếp tục say sưa kể tiếp câu chuyện thằng Văn đã hỏi nó về cảm xúc lúc con trai tôi “bị bắt” phải chọn sống với mẹ hay sống với ba. Con trai trả lời với bạn là nó không biết cảm xúc thế nào, vì nó không có giống với thằng Văn, nó không chọn mẹ hay chọn ba mà chắc là mẹ nó đã chọn nó vì khi nó lớn lên thì đã thấy nó sống với tôi.

Con trai bảo với tôi là con trai thấy thương thằng bạn khi nhìn thấy nó buồn hiu. Con trai kể cả buổi trưa năm thằng con trai đã không ngủ vì muốn an ủi và giúp thằng Văn. Thằng Văn cứ buồn vì lo lắng nếu tối nay má nó lại tiếp tục hỏi nó thì nó không biết phải trả lời thế nào.

Con trai cũng đã kết thúc câu chuyện rùng rợn về con người bằng cách hỏi tôi “Mẹ biết không?” Làm sao tôi có thể biết được bọn trẻ con có thể mất ngủ ở trường vì một câu hỏi của ba hay mẹ chúng trong lúc nóng giận? Làm sao tôi có thể biết được cách trả lời nào sẽ là tốt nhất cho bạn Văn bé bỏng kia?

Làm sao tôi có thể ngờ rằng chiều nay tôi nghe câu chuyện rùng rợn của bọn trai mười tuổi mà ngỡ như câu chuyên rùng rợn được kể để cảnh báo cho chính tôi, cho bạn bè tôi, cho những ai làm cha làm mẹ, cho những người ngoài 30 như tôi vì chính chúng tôi – những kẻ rùng rợn – tạo ra những câu chuyện rùng rợn, những câu hỏi rùng rợn khiến bọn trẻ mất ngủ lo lắng buồn rầu.

Tôi và cả bạn nữa, làm sao mà biết được bọn trẻ con nghĩ rằng “ba mẹ thằng nào cũng cãi nhau”. Nếu thời gian được phép quay ngược trở lại thì liệu tôi có cãi nhau, có ly hôn, có giúp con tôi trở thành thằng bé “giàu kinh nghiệm” nhất lớp về cảm xúc có cha mẹ ly hôn?

Nhiều người vẫn bảo phụ nữ phải vô cùng cẩn thận trong việc chọn chồng cho mình, chọn bố cho con. Như thế nào là cẩn trọng đây? Là bắt người ta ký cam kết sống và làm việc theo ý mình, hay bắt người đàn ông phải đảm bảo giá trị hôn ước hạnh phúc quy đổi bằng tiền đồng, tiền đô, tiền vàng?

Câu chuyện rùng rợn của bọn trẻ khiến tôi suy nghĩ dù cẩn trọng chọn lựa, cẩn trọng suy tính bắt ép thế nọ thế kia mà không cẩn trọng lời nói, hành vi khi chung sống thì cũng hỏng cả gia đình, cũng có khả năng tạo ra những câu chuyện rùng rợn cho cuộc đời mình, cho con mình.

Hãy tỉnh táo trong mọi suy nghĩ, mọi lời nói, mọi giận hờn hay kết tội, hãy cẩn trọng lời nói của chính chúng ta trong cuộc sống gia đình, hãy luôn tự hỏi “làm thế để được gì?” trước mọi trận “khẩu chiến” hay “tuyên chiến” với đối phương mà con mình gọi hắn bằng ba.

Còn nếu như bạn thấy mọi điều tôi nghĩ là giáo điều, là sách vở thì để tránh “một câu chuyện hôn nhân rùng rợn” có thể bạn hãy thử chọn người yêu cho mình, chọn ba cho con bằng cách rất đơn giản theo lời khuyên mà con trai tôi, hãy hỏi người đàn ông của bạn thích gà trống hay gà mái. “Con đã khuyên thằng Văn nếu má nó vẫn hỏi nó chọn sống chung với má hay với ba thì nó hãy hỏi lại má nó xem má nó thích gà trống hay gà mái?

Nếu như má nó chọn gà trống thì nó nên chọn má nó. Vì mẹ có nghe câu “gà trống nuôi con” không, ý của câu đó là người nào thương gà trống thì sẽ giống gà trống. Má nó thích gà trống thì nó sẽ được má nó nuôi nó thương nó như gà trống nuôi con” – đây là lời khuyên của kẻ giàu kinh nghiệm cuộc sống sau ly hôn cùng với mẹ.

Tin hay không thì tuỳ bạn về việc áp dụng lý thuyết của con trai tôi về gà trống, gà mái cùng tình yêu con cái. Nhưng tôi thì tôi không cười nữa ngay cả khi câu chuyện rùng rợn về con vật rất ư là buồn cười, tôi tin con trai, tôi tin bọn trẻ đã có một buổi trưa rùng rợn.

Theo Sài Gòn tiếp thị

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem