Giật tít câu view: "Bộ và cá nhân tôi nhận trách nhiệm..."

Hoàng Thành Thứ sáu, ngày 08/11/2019 10:43 AM (GMT+7)
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng báo chí giật tít giật gân, câu khách, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận: "Bộ và cá nhân tôi nhận trách nhiệm chưa có giải pháp hữu hiệu về tình trạng "giật tít câu view"".
Bình luận 0

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 8/11, về tình trạng báo chí giật tít giật gân, câu khách, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận: Bộ và cá nhân tôi nhận trách nhiệm chưa có giải pháp hữu hiệu về tình trạng "giật tít câu view". 

"Thú thật là rất phức tạp trong thao tác phân tích sâu về tít bài, với nội dung bài báo. Trước mắt, theo tôi có 2 trách nhiệm chính cần xác định: Trách nhiệm đàu tiên của phóng viên, đạo đức nghề nghiệp; Thứ hai là trách nhiệm của người Tổng Biên tập.

Tôi cũng chưa biết rằng có thể có công nghệ so sánh giữa tít và nội dung không? Tôi xin nhận trách nhiệm làm việc với các công ty công nghệ để phát triển công cụ này, cũng là để hỗ trợ các tòa soạn trong duyệt tin", Bộ trưởng nói.

img

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 8/11.

Trả lời chất vấn đại biểu về giải pháp chặn tình trạng "Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cả nước có hàng trăm cơ quan báo chí, không thể rà soát thủ công. 

"Chúng tôi phát triển bộ công cụ để phát hiện tình trạng này. Bộ TTTT, Hội Nhà báo, một số Sở TTTT cũng sử dụng công cụ để lọc và xác định các hành vi này. Với các trường hợp có dấu hiệu sách nhiễu thì xử lý. Dấu hiệu không rõ thì Hội Nhà báo xử lý về mặt đạo đức. Tình trạng này vừa qua đã giảm, nếu chúng ta làm mạnh mẽ hơn nữa thì giảm đáng kể", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Về câu hỏi chất vấn của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) về việc xử lý người đứng đầu cơ quan báo chí khi phóng viên sai phạm, người đứng đầu ngành TTTT thừa nhận, hiện nay đúng là xử lý phóng viên xử lý nhà báo khi có sai phạm nhưng liên đới trách nhiệm với tổng biên tập, thậm chí với cơ quan chủ quản báo chí trách nhiệm chưa rõ ràng.

“Tôi nhìn thấy câu chuyện này, đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng để làm cho báo chí nước nhà tốt lên. Tức là trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí phải chịu trách nhiệm về phương hướng, nhiệm vụ về nhân sự về giám sát. Hiện nay, cơ quan báo chí nào Tổng biên tập mà vững tay nghiêm túc thì cơ quan báo chí đấy thường thường là tốt, cho nên phải làm rõ quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng như Tổng biên tập”, Bộ trưởng nói. 

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vân, đoàn Phú Yên về quy hoạch và quản lý mạng lưới báo chí phát thanh truyền hình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay, chúng ta có 868 cơ quan báo chí, gồm báo, tạp chí, đài phát thanh truyền hình. Trung ương cũng nhận thấy cần phải sắp xếp lại theo hướng mỗi tờ báo, mỗi tạp chí, mỗi đài phát thanh có những lĩnh vực chuyên sâu của mình để phản ánh toàn cảnh xã hội Việt Nam, đồng thời chấn chỉnh lại hoạt động báo chí sau một thời gian có sự buông lỏng"

Theo bộ trưởng, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí và Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành kế hoạch sau đó 2 tháng, tức là tháng 4 Thủ tướng ký quy hoạch thì tháng 6/2019 Bộ ban hành một kế hoạch gồm 2 bước: bước một là trong năm 2019 thì quy hoạch xong các cơ quan báo chí của các hộ, khoảng 40 bộ. Năm 2020 thì thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ ngành và các địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem