"Giết người đổ bê tông" và niềm tin méo mó

Văn Công Hùng Thứ hai, ngày 29/06/2020 15:45 PM (GMT+7)
Tòa án tỉnh Bình Dương đang xử vụ án "giết người đổ bê tông" rất man rợ. Khi những kẻ lợi dụng lòng tin để tước đoạt cuộc sống hay trục lợi người khác, thì đó không còn là lòng tin, đó là sự cuồng tín và những kẻ đó cần bị trừng phạt nghiêm khắc.
Bình luận 0

Ai nghe cũng rất rùng mình và đều hết sức căm phẫn, hết sức ngạc nhiên, rằng tại sao những người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy lại có thể tàn ác đến thế, man rợ đến thế, khi lần lượt giết hai người đàn ông, xong để đấy tiếp tục sống chung với xác chết, đợi cho bốc mùi mới cho vào thùng phuy, đổ xi măng lên, và... thản nhiên sống tiếp?

Sôi sục căm giận, ngùn ngụt căm thù, nhưng khi ra tòa, sự việc vỡ lỡ, nghe chính thủ phạm khai, người ta lại ngỡ ngàng trước một sự thật hết sức khó hiểu khác. Sự căm giận bị san sẻ cho một cảm xúc khác, cảm xúc hụt hẫng, cản xúc thất vọng, cảm xúc đáng thương, và cả cảm xúc nghi hoặc?  

Thì té ra những người này tu tập theo một giáo phái bí ẩn nào đó, mà như lời khai của chủ mưu thì cô ta đã sáng tạo ra phương pháp tu luyện mới từ những gì thu lượm được trên sách vở, phim ảnh. Tu tập rất hiện đại và thời thượng. Di chuyển bằng ô tô, đến đâu là thuê khách sạn hoặc biệt thự để tu. Cái chúng ta ngạc nhiên là, những người cầm đầu này đều có tri thức, có sự hiểu biết hơn nhiều người khác. Niềm tin thì của từng người, anh cứ việc, chả ai cản anh, nhưng khi anh phạm luật, phạm tội ác, thì anh phải chịu trách nhiệm.

Nhưng có vẻ như, với những người này, chết không phải hoặc chưa phải là cái gì khủng khiếp lắm. Hãy nhìn gương mặt của cô gái đầu vụ Phạm Thị Thiên Hà, không có gì là sợ hãi, lo lắng, mà như là sự chấp nhận, chịu đựng, sự "hoàn thành sứ mệnh". Vốn là người có học, nhưng tu luyện với cô ta không còn là cách để hướng thiện, mà đã bị bóp méo một cách khủng khiếp nhất.

"Giết người đổ bê tông" và niềm tin méo mó - Ảnh 2.

Bị cáo Thiên Hà tại phiên xét xử hôm 25.6. Ảnh: V.D (Dân Việt).

Lại nhớ cũng đương có cách sống "thuận tự nhiên" mà có mấy vụ nghe tả đã đầy tà khí, ấy là khi sinh không cần gì đến nhân viên và các trang thiết bị y tế, mà cứ tự thế quỳ đẻ, sổ con ra xong vẫn kệ dây rốn nhau thai lòng thòng thế, bốc mùi um lên thế, với quan niệm, con trâu con bò... nó có cần bác sĩ đâu, cần thiết bị y tế đâu... và vẫn mẹ tròn con vuông, lớn nhanh và nặng cả tạ... Tôi đã rợn người khi xem ảnh cháu bé sơ sinh nằm cạnh cái nhau đến mấy ngày trời để đợi nó tự bong dây rốn ra, và càng hãi khi nghe một bác sĩ nói: Miếng thịt để vài tiếng đã thiu mà để cái nhau đến mấy ngày như thế thì... tôi không dám tưởng tượng tiếp nữa.

Phong trào "thuận tự nhiên" thu hút khá nhiều người, và đứng sau đó là một số kẻ lợi dụng niềm tin của các bà mẹ trẻ để bán đồ thực dưỡng, bán với giá cắt cổ sau khi thổi phồng tác dụng "chữa bách bệnh" kể cả các loại ung thư, thậm chí coi ung thư máu là dễ chữa nhất, chỉ bằng ăn kiêng, uống nước tiểu, xúi giục chị em từ chối vaccine cho trẻ hay không đến bệnh viện sinh con cho dù đầy nguy cơ biến chứng khi sinh…

Cũng năm nào đấy, một thạc sĩ, hồi ấy thạc sĩ to lắm, dạy ở một trường đại học, cũng tu kiểu gì mà nhịn ăn đến mức phải cấp cứu vì suýt chết. 

Trong nhà có một người cuồng tín như thế khổ vô cùng. Hãy xem cái cách ông bố cô Thiên Hà đến tòa và lời ông ấy phát biểu ấy thì thấy ông đã đau khổ và chấp nhận trong tuyệt vọng đến như thế nào khi con gái ông ấy tu tập theo cái kiểu quái dị ấy. Khuyên không nghe thì làm thế nào? Thì như nuôi một con nghiện trong nhà, một bạn trẻ nói. Bạn khác cãi, hơn chứ, phải như nuôi ba ông nghiện trong nhà, nói rồi rùng mình, thè lưỡi.

Đã đành, nói thật là, cho đến giờ, nhiều khi chúng ta vẫn rất mù mờ về chính đời sống của mình. Có một cuốn sách đang khá chạy trên thị trường, in tới 20 ngàn bản, cuốn "Muôn kiếp nhân sinh" của Nguyên Phong, giải thích về đời sống tâm linh của con người, mà nếu không có một tâm thế vững vàng thì sẽ rất hoang mang khi đọc. Nhưng hình như nó chính là bản chất đời sống của chúng ta. Cuốn "Hành trình về Phương Đông" cũng của Nguyên Phong từng là một cuốn sách được đánh giá là rất đáng đọc nếu chúng ta muốn hiểu mình là ai.

Nhưng là ai, dẫu mù mờ hay rành mạch, thì việc đầu tiên là phải tuân thủ quy định sống, tuân thủ pháp luật. Đến 2 người chết, mà chết đau thương như thế, chết vì sự man rợ như thế, thì án cao nhất là không tránh khỏi. Đó không phải là niềm tin, mà là sự cuồng tín.

Nhưng, vấn đề là, làm sao để con người biết như thế nào là đúng, như thế nào là bản chất đời sống, cái nào là tôn giáo chính thống, cái nào dị giáo, cái nào tà giáo?

Bởi, ở ngay các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Pháp, Anh... thì vẫn có những giáo phái lạ hàng vạn người theo, có những cuộc tự tử tập thể hàng chục người vui vẻ chết. Ai cũng thấy nó sai, nó buồn cười, nó nhảm nhí, nhưng những người theo giáo phái ấy thì lại thấy đám đông, rất đông còn lại, là sai, là buồn cười, là nhảm nhí...

Không phải ai cũng đủ sức đề kháng tinh thần để tránh bị sự mê muội dẫn dụ. Khi họ đã cuồng tín thì rất khó để thay đổi kể cả bằng giáo dục. Nhưng ít nhất, nghiêm khắc răn đe những kẻ tà đạo, những kẻ lợi dụng lòng tin để trục lợi, vi phạm pháp luật, thậm chí dám tước đoạt cả mạng sống người khác, cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh.

                                                                                                                

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem