Giữ lời then cho muôn đời sau

Thứ ba, ngày 06/11/2012 09:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tất cả không gian văn hoá hát then, đàn tính của 3 dân tộc Thái, Tày, Nùng đã được tái hiện sinh động trong Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ IV tổ chức tại Lạng Sơn.
Bình luận 0

Tiếng đàn ngân xa, lời hát dìu dặt tạo sức lan toả lớn trong cộng đồng...

Dặt dìu lời Then

Đêm khai mạc liên hoan (5.11), diễn ra sôi động và để lại nhiều dư âm cho người xem. Người xem được tiếp cận với 5 nhóm then đến từ 9 tỉnh ở miền Bắc. Trước đó (từ ngày 3.11), những âm thanh của đàn tính, lời then đã râm ran khắp nơi: Ở triển lãm trưng bày các hiện vật, sản vật, hình ảnh đặc trưng các dân tộc Tày, Nùng, Thái của triển lãm “Di sản văn hóa Then”; ở các phiên chợ đêm xứ Lạng...

img
Tiết mục biểu diễn hát then và đàn tính của đoàn Tuyên Quang tại liên hoan.

Hiện nay đang tồn tại nhiều nhóm then đặc trưng như: Then Lạng Sơn dìu dặt, da diết; then Bắc Kạn thầm thì như kể chuyện; then Tuyên Quang như thúc giục người ra trận; then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một… Tất cả đều được quy tụ trong Liên hoan hát Then tại Lạng Sơn. Liên hoan lần này có hơn 300 nghệ nhân, diễn viên hát then đến từ 9 tỉnh, thành phố vùng Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Điện Biên, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang và Lạng Sơn. Diễn viên của các đoàn ở nhiều độ tuổi khác nhau. Có em chỉ 8-10 tuổi, có nghệ nhân đã 70-80 tuổi, chứng tỏ nghệ thuật dân gian này đã và đang được các thế hệ tiếp nối.

Hát then là nghệ thuật hội tụ nhiều yếu tố từ âm nhạc, múa, hát, trang phục, tâm linh… Nó thể hiện nhân sinh quan của bà con vùng dân tộc Đông Bắc. Cũng bởi lẽ đó mà hát then ngày càng gần gũi với cộng đồng, được hát trong những dịp lễ, tết. Hát then có nhiều loại: Then cầu phúc, cầu tài, lộc; Then kỳ yên giải hạn; Then buồn, vui… Tất cả đều mang âm hưởng dịu dàng, nồng ấm với bao tâm sự về cuộc sống của con người.

Khó khăn trong bảo tồn

Nguy cơ mai một nghệ nhân, thiếu người kế cận, thiếu kinh phí… và một loạt các khó khăn khác đang khiến hát then có nguy cơ bị thất truyền, nhất là then cổ. Bà Ấu Thị Nga Sơn – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Hiện toàn tỉnh có trên 60 câu lạc bộ hát then, với khoảng 600 hội viên, trong đó chỉ có 2 người được công nhận nghệ nhân dân gian. Bởi vậy, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn về tìm kiếm nghệ nhân, người kế cận và vấn đề tài chính. Ngoài ra liên quan đến việc biên tập, giảng dạy then cổ hay dạy then cải biên cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi”.

Theo ông Hoàng Đức Hậu - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL): “Việc đầu tiên là phải bảo tồn và phát huy được không gian diễn xướng then. Việc đổi mới và cách tân hát then hiện nay không có nghĩa là loại bỏ yếu tố nghi lễ, chính yếu tố nghi lễ mới làm cho con người gắn bó và say mê loại hình nghệ thuật này”.

Ông Nguyễn Vũ Phan - Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang cũng chia sẻ: “Đáng lo ngại hơn là một bộ phận người dân tộc Tày không còn nói được tiếng mẹ đẻ nên rất khó để truyền dạy lời then cổ. Trong khi đó, lần nào chúng tôi bắt tay vào làm kế hoạch bảo tồn thì lần đó lại phải hủy bỏ vì rất nhiều lý do”.

Mặc dù vậy, nhiều nghệ nhân vẫn âm thầm bảo tồn và phát huy giá trị của hát then. Nghệ nhân Hà Văn Thuấn (72, tuổi ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đã có hơn 60 năm gắn bó với lời then, cây đàn tính cũng đã mở được nhiều lớp truyền dạy hát then cho con cháu trong xã. Hiện, 4 cô cháu gái của ông cũng đang say mê theo học. “Mặc dù chưa có chính sách hỗ trợ nào nhưng để giữ gìn nét văn hoá đẹp cho con cháu sau này tôi vẫn sẽ sưu tầm, bảo tồn và giảng dạy đàn tính và hát then tới khi nào nhắm mắt xuôi tay”.

PGS-TS Nguyễn Chí Bền – thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phụ trách Chương trình mục tiêu quốc gia về sưu tầm văn hoá phi vật thể cho biết, ngân sách quốc gia dành cho vấn đề này rất ít và hiện Chính phủ cắt giảm khá nhiều. “Chính vì vậy, các địa phương có đề xuất xin tiền để bảo tồn thì chúng tôi cũng chỉ biết... cười. Thời gian tới, ngoài việc hướng dẫn để các địa phương chủ động kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để hỗ trợ nhằm làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy hát then, đàn tính”- ông Bền khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem