“Giữ lửa” nghề đan lát truyền thống, người dân Chi Lăng kiếm bộn tiền

Chang Liễu Thứ hai, ngày 16/04/2018 13:05 PM (GMT+7)
Đã bao đời, người dân xã Chi Lăng, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) vẫn giữ “lửa nghề” đan lát truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, sản phẩm của làng nghề đã vươn xa sánh vai với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được ưa chuộng và đem lại thu nhập cho bà con nơi đây.
Bình luận 0

Ấn tượng ban đầu khi đến Chi Lăng đối với nhiều người là những sản phẩm đặc trưng của làng nghề đan lát. Đó là nong nia, mẹt, sàng sẩy gạo- những vật dụng gia đình đã gắn bó với người phụ nữ từ thời xa xưa. Những sản phẩm này đều lấy nguyên liệu chính là tre, trúc quê nhà. Dưới bàn tay cần mẫn, khéo léo của những người thợ đan lát, sản phẩm làm ra đều mang đậm dấu ấn của người lao động nơi núi đá vùng cao này.

img

Sản phẩm đan lát tại làng nghề là những vật dụng quen thuộc trong gia đình như mẹt, sàng..

Để bám trụ với nghề đan, người dân phải cần cù, khéo léo và “thổi hồn” vào cây tre, nứa, cây vầu để tạo ra những sản phẩm vừa chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống vừa góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Tới thăm gia đình bà Hoàng Thị Phiêng, thôn Bản Tạm, xã Chi Lăng vào một ngày cuối tháng Ba, mặc dù đang là ngày mùa nhưng gia đình bà vẫn tranh thủ thời gian để đan lát. Nhìn đôi bàn tay bà Phiêng thoăn thoắt đưa những lát nan vào khung, vừa uốn vừa đan, chẳng mấy chốc chiếc mẹt đã thành hình.

Bà Phiêng kể: “Mỗi phiên chợ (họp 5 ngày/ lần), tôi có thể đan được từ 15 - 20 cái mẹt, với giá bán trung bình từ 60 - 90 nghìn đồng tùy kích cỡ khách hàng đặt, tôi có thể thu về hơn 1 triệu đồng. Nhờ vậy cũng có thêm chút thu nhập cho gia đình”.

Bà Lương Thị Mừng, thôn Bản Mạy năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng đôi bàn tay vẫn khéo léo, vừa nhanh tay lên vòng cho chiếc sàng, bà vừa tâm sự: “Gia đình tôi đã duy trì nghề đan lát này từ lâu, vừa đan sàng vừa đan mẹt, trung bình mỗi ngày đan được 5 - 6 cái sàng (giá giao động từ 35 - 40 nghìn đồng/cái) và 15 cái mẹt. Mỗi phiên chợ  tôi đều thu về trên 2 triệu đồng, từ đó giúp gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”.

img

Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng đôi tay bà Mừng vẫn thoăn thoắt các bước đan rồi uốn, rất khéo léo.

Bà Mừng cho biết: “Nguyên liệu để làm ra một chiếc mẹt gồm có tre, nứa nhưng cây vầu là nguyên liệu chính được sử dụng. Để có được những chiếc mẹt đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo từ khâu tìm loại tre thích hợp. Đầu tiên phải chọn những cây thẳng, có màu xanh, không quá già hoặc quá non và thưa đốt để khi đan không bị gãy, dễ lên vòng. Cây mang về đốn khúc, chẻ nhỏ, vuốt chuốt trơn tru rồi đan thành hình mẹt sau đó gót vòng rồi lên vòng”.

Được biết, nghề đan lát ở đây đã có từ rất lâu đời, các cụ lão niên kể lại từ ngày còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ tụ tập ngay lũy tre làng cặm cụi vót tre đan lát. Cứ như vậy, từ đời này sang đời khác, nghề đan lát truyền thống tại xã Chi Lăng đã gắn bó với đời sống người dân nơi đây.

Ông Hà Văn Lợi, trưởng thôn Bản Tạm cho biết, toàn thôn có 64 hộ thì có trên 40 hộ làm nghề đan lát. Những ngày nông nhàn, bà con trong thôn lại tụ họp với nhau vừa trò chuyện vừa tranh thủ cho ra những sản phẩm đan lát truyền thống. Trước đây, người dân đan lát chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình, bắt đầu từ những năm 2000 đến nay, phong trào đan lát phát triển mạnh và bắt đầu trở thành hàng hóa.

img

Công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì ở người thợ đan lát.

Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang bị dần đi vào lãng quên. Tuy nhiên, nghề đan lát ở đây vẫn luôn được “truyền lửa”. Điều đó không chỉ gìn giữ những giá trị truyền thống mà còn góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân. Các sản phẩm đan lát không chỉ được người dân trong và ngoài huyện mà còn được thương lái ở các tỉnh khác đến thu mua và bán lại cho các tư thương Trung Quốc.

"Mặc dù sản phẩm đan lát của bà con làm ra đến đâu đều bán hết đến đó nhưng người dân chủ yếu đem bán tại các phiên chợ nên giá cả chưa ổn định. Thời gian tới, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy chính quyền xã sẽ có kế hoạch thành lập Hợp tác xã đan lát để duy trì nghề đan lát truyền thống, giúp bà con yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, xã tiếp tục khuyến khích và động viên bà con mở rộng, phát triển hơn nữa nghề đan lát, giúp nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã".

 Ông Nông Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng (Lạng Sơn) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem