Giữ nghề vì người nghèo và người tàn tật

Thứ năm, ngày 15/08/2013 10:40 AM (GMT+7)
Đó là tâm nguyện của chị Đoàn Thị Nga - Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ ở xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng. Từ tâm nguyện đó, chị mạnh dạn thành lập công ty thêu ren và chỉ nhận những phụ nữ nghèo và tàn tật vào làm...
Bình luận 0
Thất nghiệp nên... lập công ty

Những ai biết về con đường lập nghiệp của chị Nga mới thực sự khâm phục ý chí quyết tâm khôi phục nghề và nỗi lòng vì phụ nữ nghèo và khuyết tật của chị. Năm 1989, khi đó chị Nga đang làm công nhân kỹ thuật của Công ty Thủ công mỹ thuật An Hải thì thất nghiệp vì công ty giải thể. Dù phải chạy ăn từng bữa trong cái thời buổi bao cấp nhưng chị vẫn quyết tâm giữ nghề thêu ren một thời hưng thịnh của huyện An Dương. Lúc đầu, chị tự lập tổ sản xuất nhỏ ở nhà. Lúc đó, trong nhà chỉ còn 1 tạ thóc, chị xúc đi bán để mua dụng cụ và nguyên liệu để sản xuất. Chị Nga bắt đầu làm nghề cùng với 3 - 4 chị em khác cùng cảnh ngộ, cùng nhận gia công hàng đan, thêu ren các loại như áo thời trang, túi xách, hộp cói, gối tựa lưng...

Chị Nga hướng dẫn công nhân thêu ren.
Chị Nga hướng dẫn công nhân thêu ren.

Nhu cầu dùng hàng thủ công mỹ nghệ trên thị trường ngày càng tăng. Những sản phẩm của tổ thêu ren đã vươn ra các tỉnh lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và theo cả Việt kiều sang tận trời tây. Công việc thuận lợi, đến năm 2004, chị Nga chính thức thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ. Chất lượng và uy tín của HTX từng bước được khẳng định: Năm 2004, tại cuộc thi sáng tạo kiểu dáng sản phẩm dành cho hàng thủ công mỹ nghệ Golden V, lần đầu tiên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, sản phẩm của HTX của chị Đoàn Thị Nga đoạt giải Ba và được trưng bày miễn phí tại Pháp, Đức. Tháng 7.2008, chị Nga đoạt giải xuất sắc trong cuộc thi Nữ doanh nhân thời hội nhập. Sau đó, chị được Tổng cục Du lịch Việt Nam chọn đưa sang Nhật giới thiệu sản phẩm...

Điểm tựa cho nhiều phận đời khốn khó

Sau 23 năm thành lập, đến nay HTX Thủ công mỹ nghệ của chị Nga có 40 công nhân chính thức và hơn 400 công nhân thời vụ. Điều đặc biệt là công nhân ở đây chỉ có phụ nữ nghèo và người tàn tật. Họ luôn có việc làm và thu nhập ổn định.

Chị Lê Thị Thanh (thôn Lê Quán, xã Nam Sơn, huyện An Dương) vừa thoăn thoắt đan hộp cói vừa kể: “Tôi làm ở HTX này từ những ngày đầu thành lập, hiện đạt công khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Công tuy không cao nhưng quý lắm vì ngoài mấy sào ruộng, tôi vẫn có đồng ra đồng vào, nuôi được con học đại học”.

"Lúc nào trong tâm trí tôi cũng ấp ủ một trăn trở là tạo được nhiều việc làm cho người nghèo và người khuyết tật. Công việc này tôi nguyện sẽ làm suốt đời”.
Chị Đoàn Thị Nga

Chị Lê Thị Huyền ở thôn Lê Sáng, xã An Hồng có lẽ là công nhân đặc biệt nhất của HTX này bởi hoàn cảnh hết sức éo le. Từ hồi 6 tuổi, chị bị gãy chân, rồi bị u da, nổi mụn nhọt khắp người chẳng làm được gì. Bao năm chị sống trong mặc cảm. Từ khi làm ở HTX của chị Nga, chị Huyền có thêm nghị lực để sống và nuôi bố mẹ nay đã 80 tuổi. Ở HTX này còn nhiều chị em tàn tật như thế, người mất tay, người cụt chân, người hỏng mắt... đã tìm lại nguồn vui sống khi được chị Nga thu nhận về làm việc. Đặc biệt, nhiều người tàn tật không có cơ hội đi học, sau đó vừa được chị Nga dạy nghề, vừa dạy chữ.

Nặng lòng với việc giữ nghề truyền thống và hơn cả là nặng lòng với những người nghèo, người tàn tật mà chị Nga đã mở nhiều lớp dạy nghề ở các nơi- xã An Hưng (huyện An Dương), quận Đồ Sơn của TP. Hải Phòng và cả ở huyện Kim Thành (Hải Dương), huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), với hàng trăm học viên. Nhờ đó, hàng trăm mảnh đời khuyết tật đã tìm được động lực sống và vươn lên.
Bùi Hương ( Bùi Hương )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem