Giữ rừng hiệu quả, nông dân Quảng Bình, Điện Biên nhận “lộc”
Giữ rừng hiệu quả, nông dân Quảng Bình, Điện Biên nhận “lộc”
Thanh Tùng - Trần Anh
Thứ ba, ngày 12/12/2023 05:10 AM (GMT+7)
Với việc góp sức bảo vệ rừng, giữ rừng hiệu quả, năm nay nhiều nông dân ở Quảng Bình, Điện Biên sẽ được đón nhận những khoản tiền ý nghĩa từ việc bán tín chỉ carbon và dịch vụ môi trường rừng.
Năm 2023, tỉnh Quảng Bình nhận được hơn 82,4 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon. Đây là lần đầu tiên tỉnh này cùng 5 tỉnh Bắc Trung Bộ nhận được nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Minh – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Lần đầu tiên và bắt đầu từ năm 2023, Quảng Bình cùng 5 tỉnh Bắc Trung Bộ nhận được nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Nguồn kinh phí này sẽ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng".
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương.Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Trong khi đó, theo lộ trình thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028.
Theo ông Mai Văn Minh, Bộ NNPTNT đã chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD). Theo đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ carbon thông qua IBRD. Quỹ Trung ương trích tiền quản lý phí và các khoản chi hợp lệ khác (tối đa 3,5% hoặc khoảng 1,802 triệu USD), còn lại khoảng 49,698 triệu USD, Quỹ Trung ương điều phối cho 6 tỉnh trong khu vực theo quy định.
Trong đó, Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2, được chi trả khoảng 235 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỷ đồng (cao thứ 2 trong 6 tỉnh của khu vực). Số kinh phí trên được dùng để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là chủ rừng (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và Ủy ban nhân dân xã) 80 tỷ, kinh phí trích tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh 2,4 tỷ đồng.
Diện tích được chi trả là 469.317ha rừng tự nhiên, bình quân số tiền chi trả khoảng 170.000 đồng/ha.
Nội dung chi trả bao gồm: Hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính (bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh); hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; công tác quản lý.
Sở NNPTNT Quảng Bình đang tiếp nhận sự hướng dẫn thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Bộ NNPTNT để xây dựng phương án, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện việc chi trả kinh phí tận tay chủ rừng theo quy định.
Cũng theo ông Mai Văn Minh, sắp tới tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng kế hoạch để khai thác tiềm năng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng hiện đang được thế giới rất quan tâm.
Tạo động lực quản lý, bảo vệ rừng
Trong khi đó, tại tỉnh Điện Biên, từ ngày 13-15/12, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cùng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ tiến hành chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho 120 chủ rừng, cộng đồng thuộc TP.Điện Biên Phủ. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt cho các chủ rừng được thực hiện tại trụ sở UBND phường, xã trên địa bàn thành phố; có sự chứng kiến của cán bộ ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên; cán bộ Hạt Kiểm lâm; cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và đại diện UBND phường, xã trên địa bàn.
Cụ thể lịch trình và thời gian chi trả tại các xã như sau: Ngày 13/12 chi trả tại xã Thanh Minh và xã Mường Phăng. Ngày 14/12 chi trả tại Phường Him Lam và phường Thanh Trường. Ngày 15/12 chi trả tại phường Tân Thanh và phường Nam Thanh.
TP.Điện Biên Phủ có tổng diện tích tự nhiên là 30.657,7ha; diện tích đất có rừng là 13.559ha (tính đến 31/12/2021). Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai hiệu quả, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn thành phố liên tục tăng, đến nay đạt tỷ lệ đạt 44,23%.
Về công tác triển khai, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thành phố đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện nghiệm thu, thanh toán cho chủ rừng từ năm 2017-2022 với số tiền trên 6,5 tỷ đồng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tăng nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.