Giữ tiếng khèn Mông vang mãi...

San Nguyễn Thứ ba, ngày 12/08/2014 09:34 AM (GMT+7)
Cây khèn là linh hồn sống của người Mông. Để tiếng khèn tiếp tục được ngân vang đến đời con, đời cháu mình, nghệ nhân Mùa A Su, ở bản Mông Si, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) luôn canh cánh trọng trách truyền nghề và giữ nghề làm khèn được cha ông truyền lại.
Bình luận 0

Khèn Mông thường được sử dụng trong tang ma và những ngày hội vui của bản làng. Theo quan niệm của người Mông, tiếng khèn nhằm dẫn đường, chỉ lối và tiễn biệt người chết về với ông bà tổ tiên. Trong những ngày hội, chàng trai Mông vừa thổi, vừa múa khèn và những cô gái Mông lại rực rỡ váy hoa bên những điệu nhảy mềm mại, sôi nổi.

Không nhớ rõ bí quyết làm khèn được truyền dạy trong dòng họ mình tự bao giờ, Nghệ nhân Giàng A Su chỉ biết rằng, từ đời cụ, đời bố ông rồi đến ông là đời thứ 3 nắm giữ bí quyết này. “Chiếc khèn và tiếng khèn Mông là linh hồn của người Mông, mang bản sắc văn hóa đặc trưng” - ông Su chia sẻ.

Ngày còn đang làm Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, ông Su đã rất trăn trở khi thấy bản sắc dân tộc mình cứ dần bị mai một đi, từ trang phục bị lai tạp đến các lễ hội, nhạc cụ dân tộc càng ngày càng ít người biết. Ông làm dự án xin mở lò rèn dưới chợ huyện cốt để gìn giữ nghề rèn, cũng là để có thêm nhiều người biết đến nghề chế tác dụng cụ sản xuất, đặc biệt là việc chế tác khèn Mông, sáo Mông. Nhưng làm hai việc này cùng một nơi thì không hợp, vì nghề rèn lúc nào cũng inh inh đe búa, còn làm khèn, làm sáo lại cần không gian yên tĩnh nên dự án đã thất bại.

Thế là Nghệ nhân Su quyết đem nghề làm khèn về truyền lại cho con cháu mình. Ông Mùa A Lồng (52 tuổi), là cháu không những đã học được nghề của Nghệ nhân Su truyền lại mà còn mang tiếng khèn của ông vang xa hơn nữa. A Lồng tâm sự: “Làm được cây khèn bè rất khó nhưng làm được để thổi cho hay thì chẳng những khó mà còn phải mất rất nhiều công.”.

Hơn 20 năm gắn bó với trọng trách giữ nghề của dòng họ, A Lồng không thể nhớ mình đã làm ra được bao nhiêu cây khèn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người Mông ở Trạm Tấu, ở Mù Cang Chải, thậm chí người Mông ở tận Sơn La, Lạng Sơn và nhiều vùng khác cũng tìm sang mua. Ông Lồng lại truyền lại cho con trai mình là Mùa A Vàng.

Để tiếng khèn sống mãi với đồng bào người Mông, cha con ông Mùa A Lồng, Mùa A Vàng còn phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Bản Mù tập hợp được trên 30 đoàn viên thanh niên mở lớp dạy thổi khèn và chế tác nhạc cụ dân tộc. “Mình biết làm rồi thì phải làm cho giỏi để còn dạy cho con trai mình, cháu trai mình biết làm, thế mới không mất nghề của tổ tiên truyền lại”- ông Mùa A Lồng tâm sự.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem