Giúp đồng bào thiểu số tiếp cận, sử dụng đất hiệu quả

Trần Quang Thứ hai, ngày 06/07/2020 06:57 AM (GMT+7)
Đó là vấn đề được đề cập đến tại hội nghị Khởi động dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số” do Helvetas Việt Nam phối hợp Liên minh Đất đai (LANDA) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.
Bình luận 0

Dự án "Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu (DTTS) số" do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Helvetas Việt Nam và LANDA/CCRD đồng chủ trì, thực hiện trong thời gian 3 năm từ tháng 6/2020 - 31/5/2023.

Tăng cường hiệu quả sử dụng đất

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Văn Lương - Giám đốc Quốc gia Helvetas Việt Nam cho biết, mục tiêu của dự án là góp phần thúc đẩy và tăng cường hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên rừng cho đồng bào DTTS tại Cao Bằng, Sơn La và Nghệ An. Đây là những địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao.

Giúp đồng bào thiểu số tiếp cận, sử dụng đất hiệu quả - Ảnh 1.

Đồng bào dân tộc thiểu số thu hoạch ngô trên cánh đồng thuộc huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Trần Quang

Theo ông Tom Corrie - Phó trưởng ban Hợp tác phát triển thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, dự án trên rất phù hợp với định hướng chung của Liên minh châu Âu trong hỗ trợ Việt Nam đảm bảo quyền lợi cho người dân tộc thiểu số, góp phần tăng tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách.

Ông Lương cho biết thêm, dự án sẽ do CCRD làm đại diện điều phối, Helvetas chịu trách nhiệm quản lý và giám sát thực hiện dự án, LANDA/CCRD đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật liên quan tới quản lý và sử dụng tài nguyên đất và rừng.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ về thực trạng tiếp cận đất đai của người DTTS. TS.Nguyễn Quang Tuyến - Phó trưởng khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng: Tiếp cận và quản lý đất đai là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả sử dụng đất, thu nhập của nhóm DTTS. 

"Thậm chí tập quán quản lý và sử dụng đất theo cộng đồng có khi mâu thuẫn với quy định quản lý Nhà nước về quyền sử dụng đất theo hộ gia đình. Bên cạnh đó, các đặc điểm cư trú, canh tác dẫn đến sản xuất không hiệu quả, nguy cơ mất đất và đối nghèo cao... Chính vì thế, khi triển khai dự án trên cần có sự phối kết hợp các cơ quan, ban, ngành các cấp và các chuyên gia hàng đầu cùng tham gia triển khai các hoạt động mới đạt được hiệu quả cao" - TS.Tuyến chỉ rõ.

Ông Phan Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm CCRD cho hay, Dự án "Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào DTTS" với phương pháp tiếp cận có sự tham gia của nhiều bên liên quan là phương pháp xuyên suốt trong quá trình triển khai các hoạt động của dự án. "Khi thực hiện dự án cũng lồng ghép yếu tố bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong triển khai các hoạt động dự án; lồng ghép các nguyên tắc để đảm bảo tính trách nhiệm, bình đẳng, tạo quyền và tính hợp pháp của các chủ thể tham gia dự án; thúc đẩy quá trình học - hành động, xây dựng và chia sẻ kiến thức trong quá trình nâng cao nhận thức công chúng và đóng góp xây dựng chính sách..." - ông Ngọc nói.

Nâng cao thu nhập bền vững cho người dân

Cũng theo ông Ngọc, thông qua dự án, các thành viên LANDA và các ban hòa giải cơ sở sẽ được nâng cao năng lực để hỗ trợ các cộng đồng DTTS số đảm bảo quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng, tham gia hiệu quả vào quy trình quản lý đất đai và góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo.

Dự kiến, các thành viên LANDA và Ban hòa giải cơ sở xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn về quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng của người DTTS. Qua đó, tiếp cận thông tin về quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng của người DTTS địa phương được cải thiện.

Là địa phương có trên 10 dân tộc anh em sinh sống, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có rất nhiều dự án được triển khai với mục tiêu giao đất, giao rừng cho bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, theo ông Đậu Quang Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Nghệ An, dù được hưởng lợi nhiều từ các chính sách của các dự án nhưng việc giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc ở Nghệ An còn chậm, thu nhập của bà con còn bấp bênh.

Chính vì thế, ông Vinh rất kỳ vọng, dự án "Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào DTTS" sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về tư duy sản xuất, canh tác trên các diện tích đất của mình đạt hiệu quả cao hơn.

"Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho cán bộ của dự án để hỗ trợ các cộng đồng DTTS đảm bảo quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng, dự án cần mở rộng vùng thực hiện và nên chú trọng vào các giải pháp sản xuất giúp bà con có thu nhập ổn định và bền vững hơn" - ông Vinh mong muốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem