Đó là thực tế ghi nhận ở các lớp dạy nghề nông dân tại Đông Anh (Hà Nội).
Tháng 6.2011, Hội ND huyện Đông Anh phối hợp cùng Phòng LĐTBXH mở 4 lớp dạy nghề ngắn hạn (3 tháng) cho 140 học viên là lao động nông nghiệp với 3 nghề: Trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi thú y và trồng rau an toàn. Lớp học do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm (T.Ư Hội NDVN) tổ chức, các học viên là nông dân tại 4 xã bị thu hồi đất nông nghiệp Kim Nỗ, Vân Nội, Tam Xá, Nguyên Khê.
|
Lớp học trồng hoa cây cảnh ở xã Kim Nỗ. |
Cung cấp kiến thức hữu ích
Ông Hoàng Ngọc Đoạt - Phó Chủ tịch Hội ND xã Kim Nỗ, chia sẻ: "Lớp học được mở ngay tại xã. Mỗi lớp có từ 30-35 học viên là lao động nông nghiệp đang trực tiếp tham gia sản xuất, có đủ điều kiện sản xuất nhưng thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật. Ngoài ra còn có nông dân thất nghiệp sau thu hồi đất, lao động thuộc gia đình chính sách".
Nhận xét về nội dung học, ông Đoạt nói: "Vì đối tượng đi học đều là những người đang làm nghề, ví dụ như lớp trồng hoa, cây cảnh thì người học đã có vườn cảnh nên giáo viên dạy kiến thức mà người dân thực sự cần để áp dụng ngay vào quá trình sản xuất".
Lớp học ở đây đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân trong xã, với cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, lý thuyết đi đôi với thực hành nên nông dân ai cũng hiểu được, học được. Ông Nguyễn Khả Ưng - học viên lớp trồng hoa cây cảnh, bày tỏ: "Trước đây chúng tôi chỉ trồng cây cảnh theo kiểu bắt chước, không tuân theo kỹ thuật nào nên không hiệu quả. Các loại cây trồng không có thế, không đạt chất lượng. Lớp học này mở ra chúng tôi rất phấn khởi, làm thay đổi thói quen cũ, bây giờ chúng tôi có thể áp dụng trồng ghép rất hiệu quả".
Vì hiệu quả của lớp học mà ở 4 xã nói trên, các lớp học chỉ có... thừa sĩ số chứ không giảm, bởi theo ông Đoạt: "Nhiều người cao tuổi tuy không thuộc diện được hỗ trợ học nghề vì quá tuổi, nhưng với niềm đam mê cây cảnh họ vẫn tham gia lớp học nhiệt tình để học hỏi kinh nghiệm".
Vẫn còn nhiều khó khăn
Dẫu các lớp học được bà con hoan nghênh nhưng vẫn vướng nhiều khúc mắc, khó khăn. Cái khó trước hết là ở tâm lý của bà con. Thực hiện chi trả tài chính theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, nông dân thuộc diện ưu tiên đi học được hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/ngày và tiền đi lại là 200.000 đồng/người/khoá (cho lao động ở xa lớp học 15km trở lên). Đây chỉ là mức "hỗ trợ" nhưng lại là lý do để nhiều nông dân "tị nạnh". Nhiều người cho rằng tiền ăn 15.000 đồng là thấp so với giá cả thị trường hiện nay và muốn... tăng thêm. Có người nhà ở rất gần lớp học vẫn muốn có tiền đi lại...
Dự kiến sắp tới, Hội ND huyện Đông Anh tiếp tục mở 4 lớp dạy nghề trồng rau an toàn, chăn nuôi và trồng hoa cây cảnh cho 140 học viên.
Khó khăn hơn nữa với học viên là khi có sản phẩm, thị trường bấp bênh, chưa hình thành đầu mối tiêu thụ ổn định. Ông Hoàng Trọng Đạt (thôn Đông Xá, xã Kim Nỗ), học viên lớp trồng hoa cây cảnh cho biết: "Trong thôn có rất nhiều hộ có vườn sinh vật cảnh nhưng chủ yếu làm theo sở thích, quy mô nhỏ bởi chưa có đầu mối tiêu thụ ổn định. Người dân chủ yếu bán cho khách lẻ có nhu cầu chơi cây trong gia đình". Ông Đạt cũng khẳng định, nhiều học viên trong lớp muốn có thêm phần đào tạo về thị trường hoa, cây cảnh... để người dân biết cách tiếp thị, tìm mối mua bán mặt hàng này".
Theo bà Lê Thị Thanh Hương- Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân, T.Ư Hội NDVN: “Kết quả dạy nghề cho nông dân qua các lớp ngắn hạn mới chỉ là bước đầu. Cần phải tổ chức theo hướng mở rộng, đa dạng nghề để vận động nông dân học nghề một cách sát thực tế và dễ kiếm việc, chủ động tổ chức sản xuất. Có vậy mới thu hút được nông dân tham gia”.
Đức Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.