Giúp người Ca Dong làm giàu từ đất hoang

Công Xuân Thứ tư, ngày 18/03/2015 09:06 AM (GMT+7)
Thấy đất rừng bị bỏ hoang, ông Nguyễn Hồng Khuyến - hiện là Chủ tịch UBND xã Sơn Long, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), đã tự ươm cây giống để giúp các hộ nghèo người Ca Dong trồng trên 10.000 cây lim xẹt, hàng trăm ha keo, giúp đồng bào có thu nhập từ 30-70 triệu đồng/hộ/năm.
Bình luận 0

Ươm giống cung cấp cho hộ nghèo

img

Ông Khuyến (phải) hãnh diện đứng cùng người dân dưới tán rừng lim được trồng ở Tà Vây.

Phải nhờ tới Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây Nguyễn Quý -bạn học cũ của ông Khuyến thuyết phục, chúng tôi mới được nghe ông Khuyến kể về mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, ông Khuyến về làm ở Phòng Nông nghiệp Sơn Tây. Năm 2005, ông chuyển sang Trạm Khuyến nông huyện, sau đó được tăng cường về đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND xã Sơn Long năm 2009. Ông Khuyến kể: Trong quá trình đi làm công tác chuyên môn ở nhiều vùng trong huyện, đặc biệt là các bản, làng ở xa trung tâm xã, ông nhận thấy phần lớn đất nương rẫy của người dân bỏ hoang, hoặc trồng cây tạp, ít hiệu quả kinh tế, trong khi đó cuộc sống của họ thì vô cùng khó khăn. Vì vậy, ông đã chọn khu vực thôn Tà Vây, xã Sơn Long, để hợp tác với các hộ dân trồng keo.

“Vào thời điểm trên, keo và bạch đàn chỉ được trồng ở một số vùng núi gần các trục giao thông, còn các vùng xa thì chẳng mấy người nghĩ đến. Thế nên khi nghe tôi rủ trồng keo, bạch đàn các hộ dân đều lắc đầu, xua tay từ chối” - ông Khuyến tâm sự.

Giúp đồng bào có thu nhập

Sau nhiều lần nghe ông Khuyến giải thích "Một vài năm nữa thì Nhà nước sẽ làm đường, hoặc nếu không thì trồng lấy gỗ làm nhà cũng được", nhiều người đã gật đầu. Trong đó có 10 hộ ở Tà Vây đồng ý góp khoảng 100ha, còn ông Khuyến cung cấp cây giống và tiền công phát dọn để trồng keo, bạch đàn với tỉ lệ ăn chia 50/50. Nhờ vậy, bắt đầu từ khi đường Trường Sơn Đông được mở đi ngang qua xã (năm 2009), việc mua bán thuận lợi hơn nên tiền bán keo, bạch đàn đã giúp cho số hộ tham gia có mức thu từ 30-70 triệu đồng/hộ/năm. Riêng vào đầu tháng 1 năm nay, với gần 24ha keo, bạch đàn trồng chung còn giữ lại, hiện gần 10 năm tuổi, bà con đã bán được trên 900 triệu đồng.

Ông Đinh Văn Đôn - một trong những hộ tham gia trồng rừng bộc bạch: “Mình có 5ha đất trồng keo, bạch đàn với cán bộ Khuyến. Nhờ đó mà gia đình mình đã có tiền mua sắm nhiều đồ đạc trong nhà”.

Ông Khuyến tâm sự: Ban đầu nhiều gia đình cũng băn khoăn khi biết 30-40 năm nữa mới thu hoạch, thế nhưng khi nghe tôi giải thích số cây này trồng là để cho con, cháu và cho rừng mát hơn thì họ đã hiểu và đồng ý”.

Cách làm của ông Khuyến không chỉ giúp cho hàng chục hộ gia đình Ca Dong biết cách vươn lên từ rừng mà còn mang lại màu xanh cho rừng.

  Từ khi đường Trường Sơn Đông được mở đi ngang qua (từ 2009), việc mua bán thuận lợi hơn tiền bán keo, bạch đàn đã giúp cho số hộ tham gia có mức thu từ 30-70 triệu đồng/hộ/năm 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem