Giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước cán đích nông thôn mới
Giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước cán đích nông thôn mới
Trần Hiền
Thứ tư, ngày 14/10/2020 10:01 AM (GMT+7)
Từng vườn dược liệu tươi tốt, từng luống bí nhật xanh mơn mởn hay những ruộng lúa vàng ươm đang đợi người dân thu hoạch. Đó là quang cảnh đầy sắc màu, thể hiện sự quyết tâm cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2020 của người dân và chính quyền xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum).
Trở về xã Măng Cành vào những tháng cuối năm, chúng tôi thấy được sự quyết tâm của người dân để nhanh chóng cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2020. Theo đó, thời gian này xã Măng Cành đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, nỗ lực hoàn thành 2 tiêu chí chưa đạt chuẩn là thu nhập và hộ nghèo nhằm phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm nay theo kế hoạch đề ra.
Để hoàn thành 2 tiêu chí chưa đạt chuẩn là thu nhập và hộ nghèo, hiện xã Măng Cành đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả góp phần tăng giá trị thu nhập nâng cao đời sống người dân. Theo đó, xã đang triển khai thực hiện 3 mô hình trồng bắp sinh khối, đương quy và sâm dây trên tổng diện tích 12,1ha cho 53 hộ dân ở các thôn. Ngoài diện tích cây dược liệu, xã Măng Cành còn phát triển 180ha rau và hoa xứ lạnh; 417ha cây lâu năm (cà phê xứ lạnh, cây ăn quả); phát triển tổng đàn gia súc (trâu, bò, heo, dê) trên 10.500 con.
Với sự quyết tâm nhằm cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2020, ông Trần Văn Nết – Chủ tịch UBND xã Măng Cành nhấn mạnh, để đạt mục tiêu đến cuối năm nay về đích nông thôn mới, chính quyền xã đang triển khai nhiều giải pháp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các nguồn khác để giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã. Đặc biệt, xã sẽ tuyên truyền đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, giúp nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu hiệu quả.
Một mô hình mới được xã Măng Cành triển khai, đặt hy vọng có thể nâng cao thu nhập của người dân chính là mô hình trồng bí Nhật. Đến nay mô hình đã phát triển được 12 hộ dân ở các thôn khác tham gia. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên qua 3 mùa vụ sản xuất, cây bí Nhật cho sản lượng và mang lại lợi nhuận cao cho các hộ dân. Xã đang vận động, khuyến khích nhân dân phát triển mô hình này để tăng thu nhập. Ngoài ra, để hỗ trợ các hộ dân phát triển sản xuất, xã phối hợp Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam bộ (tỉnh Bình Dương) triển khai mô hình trồng cây lan kim tuyến dưới tán rừng trên tổng diện tích 1ha với sự tham gia của 20 hộ dân…
"Song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã sẽ vận động nhân dân tham gia vào mô hình HTX, bao tiêu nông sản, doanh nghiệp sẽ cam kết bao tiêu sản phẩm nông sản với người dân khi tới mùa vụ. Bên cạnh đó, xã sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp góp vốn vào HTX, tạo ra các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực; tạo chuỗi giá trị, gia tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, xã đã có đề xuất ban chỉ đạo NTM tỉnh, huyện chỉ đạo các phòng ban làm cầu nối tiêu thụ nông sản, góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân", ông Nết cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.