Giúp nhà nông Kinh Bắc bớt lo việc tiêu thụ sản phẩm

Thu Hà Thứ hai, ngày 25/11/2019 10:30 AM (GMT+7)
Cuối tuần qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân (ND) tỉnh Bắc Ninh tổ chức Tọa đàm “Xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu nông sản cho nông dân năm 2019 - Ký kết chương trình phối hợp”.
Bình luận 0

Tọa đàm nhằm giúp các chủ trang trại, HTX, hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp và các công ty, doanh nghiệp thu mua nông sản có sự liên kết, hợp tác ổn định từ khâu sản xuất, bảo quản đến tiêu thụ nông sản; đồng thời là dịp để các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trong cả nước học hỏi kinh nghiệm hỗ trợ nông dân hiệu quả nhất.

Tháo gỡ khó khăn cho nông dân

Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp, chủ trang trại, HTX và ngành chức năng tập trung đánh giá kết quả xây dựng vùng nguyên liệu và hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời gian qua. Các ý kiến cũng đề cập những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc xây dựng vùng nguyên liệu và hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản; đánh giá thực trạng chính sách khuyến khích doanh nghiệp thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân; các kinh nghiệm trong công tác giới thiệu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân…

img

 Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh đã ký kết chương trình hợp tác với các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản.   (ảnh: Thu Hà)

Chia sẻ về khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất và tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Văn Thanh - chủ trang trại cây ăn quả ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, bày tỏ: “Gia đình tôi đầu tư trồng cam canh từ năm 2012 đến nay với diện tích gần 6ha. Bản thân tôi tự nghiên cứu học hỏi mô hình, khi thu hoạch tự tìm thị trường tiêu thụ nên vừa không đảm bảo chất lượng sản phẩm, không chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ. Diện tích canh tác đất cũng tự thuê của người dân, thời gian thuê ngắn nên việc sản xuất gặp khó khăn, gián đoạn. Tôi mong Hội ND, các cơ quan ban, ngành hướng dẫn giúp đỡ hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý, đăng ký mô hình, thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm để yên tâm sản xuất”.

Để tiếp tục xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu và hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản, một số giải pháp được đưa ra tại buổi tọa đàm tập trung vào việc tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách của tỉnh và T.Ư về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp liên quan trong sản xuất nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm; các cấp Hội ND đẩy mạnh công tác tư vấn hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp…

Nhiều chính sách hỗ trợ 

 Với vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào, Hội ND và hội viên ND là lực lượng lao động lớn có mặt trên tất cả các lĩnh vực liên quan tới an toàn thực phẩm - từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến lương thực, thực phẩm và tiêu dùng”. 
ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND Bắc Ninh

Đánh giá cao việc Hội ND tỉnh Bắc Ninh tổ chức tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành cho rằng, buổi tọa đàm là hoạt động thiết thực, cụ thể của Hội ND tỉnh Bắc Ninh nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 54 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X (về nông nghiệp, nông dân, nông thôn) và các chủ trương, chính sách của tỉnh Bắc Ninh về phát triển nông nghiệp.

Theo ông Thành, những năm qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân hướng tới sản xuất hàng hóa. Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ phát triển các vùng rau màu, cây dược liệu, cây ăn quả với mức cao nhất là 20 triệu đồng/ha; hỗ trợ 50% giá mua giống cho các vùng sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô từ 3ha trở lên; hỗ trợ tập trung tích tụ ruộng đất với mức 6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu…

Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ xây dựng các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà màng, nhà lưới…

Ông Thành cho rằng, với những chính sách mạnh mẽ trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp, tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện toàn tỉnh có 66 tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp, với diện tích trung bình 9,6ha/cơ sở.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 263 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với tổng diện tích 3.292ha, sản lượng đạt gần 40.000 tấn/năm; 71 vùng rau màu chuyên canh với tổng diện tích hơn 1.300ha, sản lượng đạt gần 34.000 tấn/năm; 24 vùng sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích 260ha; 167 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích 3.288ha, sản lượng đạt 25.000 tấn/năm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc xây dựng vùng nguyên liệu và ký kết hợp tác hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản sẽ giúp bà con nông dân bảo đảm được năng suất cũng như sản lượng, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, qua đó tạo bước chuyển cơ bản về giá trị sản phẩm hàng hóa, thu hút, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem