Giúp trái dưa hấu to, đẹp

Thứ sáu, ngày 10/12/2010 20:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày Tết ai cũng muốn có cặp dưa hấu to đẹp để chưng bàn thờ cúng ông bà. Sở KH&CN tỉnh Bến Tre hướng dẫn một số kỹ thuật trồng và bón phân để dưa to, đẹp đúng dịp bán Tết.
Bình luận 0
img
Chăm sóc đúng cách sẽ cho những quả dưa đẹp.

Trước hết, để có trái lớn không nên trồng quá dày. Dưa hấu Tết cần trái lớn để chưng nên trồng thưa 500-650 cây/m2.

Kế đến là phân bón. Cần chú ý thời kỳ bón phân và số lượng phân bón một cách cân đối hợp lý. Tùy vào độ màu mỡ của đất mà lượng phân bón khác nhau. Lượng phân bón trung bình cho 1.000m2 dưa hấu là: 1-2 tấn phân chuồng hoai mục; 5kg phân urê; 8kg phân DAP; 6kg phân KCL và 60kg phân NPK (16-16-8).

Sửa dây cũng là một kỹ thuật cần thiết, được tiến hành khi dây bắt đầu bỏ vòi (khoảng 20 ngày sau khi xuống bầu). Cho các dây bò song song nhau theo thứ tự thẳng gốc với hàng trồng. Không để dây quấn chồng lên nhau, gây khó khăn trong việc chấm nụ, tuyển trái và ảnh hưởng khả năng quang hợp của cây, đồng thời tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

Trong thời kỳ ra hoa rộ, khi dây dưa dài khoảng 1,5m (35-40 ngày sau khi gieo) nên thụ phấn nhân tạo (còn gọi là úp nụ) để trái có độ đồng đều cao, dễ chăm sóc. Vì trái càng to thì càng có giá trị nên người trồng dưa phải chủ động úp nụ, lấy trái đúng vị trí trên thân, trái sẽ phát triển như mong muốn. Úp nụ thường tập trung 4-7 ngày. Thời gian úp nụ càng ngắn càng tốt, tiến hành vào 7-9 giờ sáng.

Để cho trái dưa hấu to, chỉ nên để 1 trái/dây. Việc tuyển trái tiến hành khoảng 40-45 ngày sau khi gieo. Khi trái bằng trái chanh, chọn trái thứ ba trên dây chính. Nếu trên dây chính không tuyển trái được thì chọn trái thứ hai trên dây nhánh (vị trí lá thứ 8-14). Chọn trái đầy đặn, cuống to dài, có nhiều lông tơ thẳng, không sâu bệnh.

Ngoài ra, chăm sóc trong giai đoạn mang trái cũng là yếu tố giúp trái dưa hấu đẹp, tăng giá trị thương phẩm. Khi trái lớn bằng trái cam, nếu giống dưa trái tròn, trong mùa nắng thì nên sửa cho trái đứng để trái phát triển đồng đều. Còn trong mùa mưa, nên để trái nằm ngang, tránh đít trái tiếp xúc với mặt đất ẩm ướt dễ bị nấm bệnh tấn công. Trong quá trình trái phát triển thỉnh thoảng trở bề để trái đẹp và màu vỏ trái xanh đều. Chỉ để trái đứng khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch.

Thận trọng trong việc sử dụng phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Những loại này giúp thân, lá, trái phát triển nhanh nhưng thường làm phẩm chất trái giảm và cây chống chịu kém với điều kiện bất lợi của ngoại cảnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem